(HNMO) - Chỉ trong một ngày, giá vàng tăng tới hơn 3 triệu đồng/lượng, có nơi đưa giá lên mức kỷ lục mới là 67,5 triệu đồng/lượng.
Lúc cuối giờ chiều 24-2, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 65,4 triệu đồng/lượng (mua vào) - 66,8 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng khoảng 1,2 triệu đồng/lượng (chiều mua) và 1,5 triệu đồng/lượng (chiều bán) so với lúc hơn 15h cùng ngày.
Một số doanh nghiệp tăng giá bán lên mốc 67 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu để là 65,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67 triệu đồng/lượng (bán ra), cao hơn trước đó ít giờ 1,1 triệu đồng/lượng (chiều mua) và 1,6 triệu đồng/lượng (chiều bán).
Đặc biệt, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji đưa giá vượt xa mốc 67 triệu đồng/lượng, niêm yết là 65,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Trước đó, từ sáng đến chiều, nhân viên kinh doanh vàng tại nhiều cửa hàng "mỏi tay" điều chỉnh giá, bởi giá biến động nhanh và liên tục.
Tính chung trong ngày 24-2, giá vàng đã tăng tới hơn 3 triệu đồng/lượng. Do giá biến động mạnh, doanh nghiệp nới rộng chênh lệch giá mua và bán, có nơi để tới mức 2-2,3 triệu đồng/lượng. Mức giá 67,5 triệu đồng/lượng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Trên thực tế, mức giá trên có lẽ ít chuyên gia nào nghĩ tới, bởi hồi đầu năm, nhiều chuyên gia nhìn nhận, năm 2022 giá vàng sẽ tăng và mức dự báo đưa ra là giá có thể chạm mốc 65 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh xuất phát từ thị trường quốc tế. Căng thăng địa chính trị đã khiến nhà đầu tư tìm đến vàng làm nơi trú ẩn tài sản khiến giá kim loại quý này biến động dữ dội theo hướng đi lên.
Cũng vào thời điểm trên, giá vàng thế giới tăng tới 62 USD/ounce, lên mức 1.970,9 USD/ounce, quy đổi thấp hơn giá vàng trong nước gần 11 triệu đồng/lượng. Với chênh lệch giá mua và giá bán ở mức rộng và giá biến động mạnh, mua vàng vào lúc này là vô cùng rủi ro.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.