(HNM) - Ảnh hưởng từ những chính sách tiền tệ mới của Mỹ, giá vàng thế giới
Giá vàng miếng SJC "rơi" mạnh xuống dưới ngưỡng 39 triệu đồng/lượng đã hấp dẫn cả giới đầu tư lẫn những người có thói quen mua vàng tích trữ. Bất chấp khoảng cách giữa thị trường trong nước và thế giới vẫn ở mức trên 6 triệu đồng/lượng, nhiều người vẫn chen chân để mua vàng…
Khách hàng mua vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Như Ý |
Từ ngưỡng 40 triệu đồng/ lượng trong đầu tuần trước (ngày 17-6), giá vàng miếng SJC giảm dần và lùi xuống 39,2 triệu đồng/lượng khi kết thúc tuần. Chưa dừng ở đó, sang đầu tuần mới (ngày 24-6), giá vàng tiếp tục "giảm nhiệt", tuột mất ngưỡng 39 triệu đồng/lượng, giao dịch ở mức 38,65 triệu đồng/lượng (mua vào) - 38,85 triệu đồng/lượng (bán ra). Thương hiệu Rồng vàng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng không tránh khỏi xu hướng giảm giá khi để mất 1,3 triệu đồng/lượng trong một tuần, niêm yết phổ biến ở mức 36,65 triệu đồng/lượng (mua vào) - 36,9 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng trong nước giảm chủ yếu do chịu áp lực từ đà giảm giá của vàng thế giới. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng thế giới đóng cửa ở mức 1.298,6 USD/ounce, giảm gần 7% so với tuần trước đó. Đây là mức giảm mạnh của giá vàng kể từ nhiều tháng nay. Sáng 24-6, trên thị trường Châu Á, giá vàng giao ngay tiếp tục giảm 8,3 USD/ounce, xuống 1.290,3 USD/ounce, vào thời điểm 14h theo giờ Việt Nam, giá vàng chỉ còn 1.283 USD/ ounce. Đây là mức thấp nhất của giá vàng trong vòng 3 năm qua. Theo các chuyên gia, ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố có thể ngừng đưa ra gói nới lỏng tiền tệ vào năm 2014 đã tác động không nhỏ tới tâm lý của giới đầu tư, làm cho làn sóng bán vàng tăng mạnh, khiến giá vàng phá vỡ ngưỡng 1.300 USD/ounce, lùi xuống sát 1.280 USD/ounce. Như vậy, kể từ mức kỷ lục 1.920 USD/ounce hồi tháng 9-2011, đến nay giá vàng thế giới đã mất hơn 30%. Ngoài ra, sự sụt giảm của giá vàng còn do chịu ảnh hưởng của những thông tin kinh tế thiếu lạc quan tại những nền kinh tế chủ chốt trên thế giới, cộng với nhu cầu mua vàng tại đất nước vốn có nhu cầu cao về vàng là Ấn Độ bị "chững" lại cũng khiến vàng không còn là kênh hấp dẫn số một. Không chỉ giới đầu tư "chạy trốn" khỏi vàng, những quỹ lớn cũng đẩy mạnh bán ra, như quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust, nên lượng vàng nắm giữ của quỹ này chỉ còn khoảng gần 1.000 tấn, mức thấp nhất của quỹ trong vòng 4 năm qua.
Với mức giá 1.283 USD/ounce, quy đổi ra VND theo tỷ giá của Vietcombank là 21.036 VND/ USD, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá trong nước hơn 6 triệu đồng/lượng. Rõ ràng là giá vàng thế giới càng giảm thì khoảng cách giữa hai thị trường càng nới rộng vì đà giảm giá của vàng trong nước không theo kịp với thế giới. Tuy nhiên, bất chấp mức chênh có vẻ như bất hợp lý này, người dân vẫn thi nhau mua vàng, bởi theo quan điểm của nhiều người, giá vàng xuống dưới ngưỡng 39 triệu đồng/lượng được coi là hấp dẫn. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thêm một lần rơi vào cảnh "lùi dốc", thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu "ấm" lên, lãi suất tiết kiệm quá thấp, kênh đầu tư vàng được nhiều người nhắm đến như một nơi an toàn cho việc tích trữ tài sản. Với hầu hết nhà đầu tư trong nước, mức chênh 1 triệu đồng/lượng chỉ còn là kỳ vọng, chưa nói đến mức 400 nghìn đồng/ lượng như trước đây, nên chỉ cần giá vàng được điều chỉnh ở mức có thể chấp nhận được là họ mua vào. Thời hạn tất toán vàng của khối ngân hàng đang đến gần (ngày 30-6), cũng có nghĩa sau thời điểm này, một lượng lớn vàng sẽ được trả lại cho người dân, hay nói chính xác hơn là sẽ được trả lại thị trường, nên khả năng giá vàng sẽ điều chỉnh giảm mạnh để rút ngắn khoảng cách với giá vàng thế giới là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư chỉ biết "mê" vàng, bỏ rơi những kênh đầu tư khác thì giá vàng vẫn có cơ hội "làm mưa làm gió", khiến khoảng cách giữa hai thị trường ngày càng xa và thiệt hại vẫn rơi vào người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.