(HNM) - Từ 17.941 VND/USD, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh lên 18.544 VND/USD trong ngày 11-2. Việc NHNN thay đổi tỷ giá trong ngày cận kề Tết Nguyên đán Canh Dần đã gây bất ngờ lớn cho nhiều người, đặc biệt là doanh nghiệp…
Giá USD trên thị trường tự do sẽ sớm "hạ nhiệt"?
Với tỷ giá 18.544 VND/USD, nếu áp dụng biên độ 3%, các ngân hàng thương mại có thể mua, bán USD với giá trần là 19.100 VND/USD. Ngay sau khi NHNN ban hành quyết định, sáng 11-2, giá USD trên thị trường đã tăng vọt lên 19.300 VND/USD (mua vào) - 19.700 VND/USD (bán ra), trong khi đó, trong buổi chiều 10-2, giá USD đã lùi xuống mức 19.000 VND/USD (mua vào) - 19.200 VND/USD (bán ra). Tại các ngân hàng thương mại (NHTM), tỷ giá cũng được điều chỉnh từ 18.469 VND/USD (mua vào) - 18.479 VND/USD (bán ra) lên 18.595 VND/USD (mua vào) - 19.000 VND/USD (bán ra).
Cùng với quyết định trên, từ ngày 11-2, mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng) tại tổ chức tín dụng tối đa là 1%/năm. Trước đó, lãi suất tiền gửi USD tại các ngân hàng phổ biến ở mức 2,3-4%/năm đối với các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và trên 12 tháng (khối NHTM nhà nước). Nhóm NHTM cổ phần áp dụng mức lãi suất cao, phổ biến là 3,3-4,5%/năm. Mức lãi suất cho vay bằng USD tại khối NHTM nhà nước là 5,5-6%/năm đối với ngắn hạn và 6-7%/năm đối với trung và dài hạn. Nhóm NHTM cổ phần áp dụng mức lãi suất 6-8%/năm đối với ngắn hạn và 6,5-8%/năm đối với trung và dài hạn.
Theo NHNN, mục đích của việc điều chỉnh lãi suất và tỷ giá liên ngân hàng là nhằm cân đối hài hòa cung - cầu ngoại tệ, tăng cường sự lưu thông trên thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát nhập siêu và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, một số DN cho biết, quyết định này của NHNN sẽ gây khó khăn cho DN, bởi nhiều hợp đồng đã được ký kết với đối tác nước ngoài từ trước, với mức giá đã được tính toán dựa trên tỷ giá cũ. Do vậy, nếu tỷ giá USD/VND tăng mạnh, nhiều thiết bị nhập khẩu sẽ bị "đội" giá, đẩy DN đến chỗ phải bù lỗ cho hợp đồng. Song, các chuyên gia lại cho rằng, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng là hợp lý, bởi giá USD tại NHTM đã được đẩy sát hơn với giá trên thị trường tự do. Các chuyên gia cũng dự báo, giá USD trên thị trường tự do chỉ tạm thời tăng mạnh do thị trường phản ứng quá nhanh với quyết định của NHNN, nhưng sau đó sẽ giảm dần để tiệm cận với tỷ giá của các NHTM.
USD tăng kéo giá vàng nhảy vọt
Mặc dù giá vàng thế giới không có nhiều thay đổi, chỉ tăng nhẹ so với ngày 10-2, nhưng giá vàng trong nước lại tăng vọt ngay sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng. Trên thị trường Hà Nội, vào lúc 11h, vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu mua vào 26,35 triệu đồng/lượng, bán ra 26,65 triệu đồng/lượng, tăng gần 700.000 đồng/lượng so với chiều 10-2; vàng SJC mua vào 26,25 triệu đồng/lượng, bán ra 26,6 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới vẫn gần như đi ngang, được giao dịch ở mức 1.078 USD/aoxơ (vào lúc 11h30 theo giờ Việt Nam). Với mức giá này, nếu quy đổi sang VND, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và các chi phí khác. Theo các chuyên gia về tài chính, vàng vẫn đang đi theo diễn biến của tỷ giá EUR/USD.
Lo lắng và bất ngờ với việc NHNN điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, đẩy giá USD tại NHTM và thị trường tự do tăng mạnh, trái với các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước lại tìm đến vàng như một kênh tích trữ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, không nên quá nôn nóng mà "ào ào" đi mua USD hay vàng tích trữ để tránh bị rủi ro.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.