(HNMO) - Tháng 9-2021 có tổng cộng 42 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo hình thức riêng lẻ, với tổng giá trị 29.734 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu, với giá trị 13.860 tỷ đồng, chiếm 47% tổng giá trị phát hành. Trong đó, có 6.210 tỷ đồng trái phiếu phát hành tăng vốn cấp 2. Lãi suất phát hành các trái phiếu tăng vốn này chủ yếu là lãi suất thả nổi tham chiếu bình quân lãi suất tiết kiệm 4 ngân hàng (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank), dao động 6,4-7,9%/năm, cao hơn so với tháng 8-2021 do các trái phiếu có kỳ hạn dài hơn.
Những tổ chức phát hành khối lượng lớn trong nhóm ngân hàng là: BIDV (3.240 tỷ đồng), OCB (2.000 tỷ đồng), VietinBank (2.050 tỷ đồng).
Xếp vị trí thứ hai là nhóm bất động sản với tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 8.394 tỷ đồng; trong đó, khoảng 11% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.
Một số tổ chức có khối lượng phát hành lớn là: Công ty cổ phần Ngôi sao Việt (1.900 tỷ đồng), Công ty cổ phần Thành phố Aqua (1.000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành chủ yếu trong khoảng 1-5 năm. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 9,5-12%/năm.
Tính chung trong 9 tháng năm 2021, có tổng cộng 599 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước; trong đó, có 582 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 350 nghìn tỷ đồng (chiếm 91% tổng giá trị phát hành), 14 đợt phát hành ra công chúng giá trị 12 nghìn tỷ đồng và 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1 tỷ USD.
Bộ Tài chính khuyến cáo, với tính chất rủi ro cao, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, là đối tượng có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.