(HNM) - Việt Nam được xếp vào danh sách một trong 4 quốc gia trên thế giới tự sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em.
Để có được thành công đó không thể không nhắc đến PGS.TS Lê Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế).
Với thành công này, năm 2013, PGS.TS Lê Thị Luân đã được trao Giải thưởng Kovalevskaia. Cuối tuần qua, công trình còn được trao tặng Giải thưởng Bảo Sơn dành cho các công trình, nhóm công trình khoa học xuất sắc có giá trị khoa học và thực tiễn, đã được ứng dụng trong thực tế, có đóng góp nổi bật vào sự nghiệp phát triển đất nước.
16 năm miệt mài
Nói về cơ duyên đến với việc nghiên cứu đề tài "Tạo chủng virut Rota làm chủng dự tuyển cho chế tạo vắc xin Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ em", PGS.TS Lê Thị Luân cho biết: "Năm 1998, tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Thời điểm này, các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới có chương trình giám sát bệnh mùa đông tại Việt Nam. Đây cũng là lúc trẻ nhập viện ồ ạt do virut Rota gây tiêu chảy nhưng dùng kháng sinh không có kết quả. Do đó, các chuyên gia đưa Việt Nam vào một trong những nước thành viên giám sát virut trong 3 năm. May mắn, tôi được lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế tin tưởng chọn tham gia. Họ đề nghị các chuyên gia đưa ra ý tưởng làm thế nào để có vắc xin ngừa tiêu chảy tốt nhất. Đây cũng là lý do tôi đề xuất đề tài nghiên cứu vắc xin Rota cho trẻ em".
Nhớ lại những ngày đầu, PGS.TS Lê Thị Luân chia sẻ: "Khó khăn cơ bản nhất trong đề tài này là phải tạo được hệ thống chủng giống và chúng tôi phải mất 4 năm mới thiết lập được, vì đặc tính của virut Rotavin rất khó mọc trên tế bào, nhất là tế bào sử dụng cho vắc xin theo khuyến cáo của WHO". Trong 2 năm đầu tiên, chị đã đưa hàng nghìn chủng virus nhân lên tế bào nhưng đều không thành công. Vốn là người làm công tác nghiên cứu lâu năm, chị luôn xác định, nghiên cứu vắc xin là đề tài rất khó, nhiều khi đã thành công đến 99%, nhưng đến phút cuối vẫn chỉ là con số "không"... Cũng đã nhiều lần chị cảm thấy nản chí và muốn dừng lại.
Tuy nhiên, được sự giúp đỡ, động viên của bạn bè, đồng nghiệp và hơn hết là mong muốn trẻ em Việt Nam có cơ hội được sử dụng vắc xin phòng bệnh tiêu chảy với giá cả hợp lý, chị lại tiếp tục nghiên cứu. Sau 4 năm làm việc không mệt mỏi, cùng sự giúp đỡ của các chuyên gia Mỹ, PGS.TS, bác sĩ Lê Thị Luân cùng đồng nghiệp đã tạo được một hệ thống chủng giống virut Rota, nguyên liệu quan trọng nhất cho sản xuất vắc xin Rota tại Việt Nam. Đây là một sản phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi lần đầu tiên Việt Nam chủ động tạo nguồn nguyên liệu đầu cho sản xuất vắc xin, không cần phải đợi chuyển giao công nghệ và nhập ngoại. Công trình đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích với tên sáng chế: "Quy trình tạo chủng giống gốc virut Rota giảm độc lực để sản xuất vắc xin ngừa bệnh tiêu chảy cấp".
Khát vọng cống hiến
Công trình khoa học cấp Nhà nước mang mã số KC.10.03/06-10 của chị và đồng nghiệp về "Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin Rotavin-M1 sống giảm độc lực phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em Việt Nam" đã tuân thủ nghiêm túc theo quy định Thực hành lâm sàng tốt (GCP) của Bộ Y tế. Kết quả thử nghiệm đã chứng minh vắc xin Rota sản xuất tại Việt Nam có tính an toàn và đáp ứng miễn dịch tốt trên trẻ 6 - 12 tuần tuổi với 2 liều cách nhau 2 tháng. Sau 16 năm nghiên cứu, tháng 5-2012, Rotavin-M1 chính thức được Bộ Y tế cấp phép đưa ra thị trường. Đến nay, đã có 100.000 trẻ tại 60 tỉnh, thành được sử dụng vắc xin với chất lượng tương đương nhưng giá chỉ bằng 1/3 vắc xin ngoại. Đáng nói là, chưa có trường hợp nào gặp vấn đề bất thường về an toàn vắc xin.
Kết quả nghiên cứu của PGS.TS Lê Thị Luân được ứng dụng thành công đã góp phần giảm từ 5.300 đến 6.800 ca tử vong hằng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt trẻ phải khám bệnh và giảm từ 122.000 đến 140.000 lần trẻ phải nhập viện do virut Rota. Theo tính toán, thành công của công trình nghiên cứu này đã tiết kiệm được 5,3 triệu USD, trong đó 3,1 triệu USD cho chi phí trực tiếp, 685.000 USD cho chi phí không thuộc lĩnh vực y tế và 1,5 triệu USD cho chi phí gián tiếp để điều trị bệnh tiêu chảy do virut Rota ở nước ta.
Thành công lớn của chị và cộng sự đã góp phần đưa Việt Nam trở thành nước thứ 2 của Châu Á và là một trong 4 nước trên thế giới tự sản xuất được vắc xin Rota với công nghệ cập nhật quốc tế. Sau thành công với vắc xin ngừa bệnh tiêu chảy cấp, PGS.TS Lê Thị Luân và các đồng nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu vắc xin bại liệt; vắc xin phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ em… Với chị, đam mê và khát vọng cống hiến cho khoa học vẫn tràn trề…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.