(HNM) - Như tin đã đưa, 66 giải pháp kỹ thuật vừa được trao giải tại hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 10 dành cho các lĩnh vực: cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp, y dược; giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực khác... Trên bục lĩnh thưởng, không chỉ có các giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư mà còn là cả các lão nông đến từ nhiều vùng quê khác nhau.
"Sát thủ" của… "ông Tý"
Biệt danh ấy không dành cho ai khác ngoài ông Trần Quang Thiều (xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội), người đoạt giải nhất trong lĩnh vực GD-ĐT và lĩnh vực khác với "Phương pháp và công cụ diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt diệt các loài chuột không cần mồi hiệu quả trên mọi địa hình".
Ông Thiều (người đội mũ trắng) và đống chuột hàng nghìn con đã bắt được trong một đêm tại huyện Yên Phong - Bắc Giang.
Ông Thiều cho biết: "Cái duyên diệt chuột" bắt nguồn từ chuyện "cay" chuột. Cách đây hơn 10 năm, ông được phân công làm đội trưởng đội sản xuất của thôn. Năm ấy, đội sản xuất vừa gieo mạ, ngay lập tức các "ông Tý" đã kéo đến "bủa vây" làm hỏng 30% diện tích. Sợ không hoàn thành nhiệm vụ, ông thức ngày đêm tìm cách tiêu diệt lũ chuột đáng ghét, nhưng kết quả không được là bao. Từ chiếc bẫy bán nguyệt mua được, Trần Quang Thiều sớm phát hiện nó có nhiều nhược điểm và nghĩ "mưu" để chế lại. Ngoài việc làm lại lò xo, ông Thiều làm bẫy thành hình bầu dục để đỡ lọt chuột nhỏ. Lũ chuột lại không thiết mồi nên ông thay vào đó một miếng nhựa, xốp, to hơn bao diêm (gọi là miếng đối trọng). Khi đặt bẫy, ông đào một hố nhỏ làm sao tạo độ bập bênh với miếng đối trọng. Chuột to, nhỏ chỉ cần va vào miếng đối trọng, tạo ra độ lún là "dính" ngay lập tức… Nhờ sự cải tiến này, đám ruộng của đội sản xuất từ chỗ bị phá đến 30% nay chỉ còn 0,5%.
Tiếng lành đồn xa, Trần Quang Thiều được người ở xã Văn Phú mời đi diệt chuột. Trong một đêm, với 800 chiếc bẫy, ông đã diệt gần 2.000 con chuột. Rồi ông được mời đến nhiều nơi ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa… để diệt chuột hoặc tập huấn cho nông dân cách đặt bẫy. "Mê" diệt chuột, ông còn dày công nghiên cứu cách diệt chuột bơi dưới nước, leo cây, leo dây...
Thấy có thể vừa "kiếm được tiền", vừa giúp dân tránh nạn chuột, Trần Quang Thiều mạnh dạn thành lập cơ sở diệt chuột. Cơ sở của ông đã có những đối tác lớn là các nhà máy bia: Đông Nam Á, Việt Hà, Sài Gòn; một số nhà máy may, Công ty Vinamilk, Nhà máy ô tô Ford (Hải Dương)… Đến giờ, "biệt đội" diệt chuột của ông Thiều đã lên tới 50 người, hưởng lương từ 3-4 triệu đồng/tháng. Ông cũng đặt "văn phòng đại diện" tại nhà mình, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để ai có nhu cầu dễ bề liên hệ.
Sau hơn 10 năm, bảng thành tích của Trần Quang Thiều là đã cung ứng ra thị trường hơn 280.000 chiếc bẫy cải tiến diệt chuột không cần mồi; hướng dẫn lập tổ chuyên diệt chuột cho 3.800 hợp tác xã nông nghiệp và cơ quan, đơn vị; tiêu diệt được 19 triệu con chuột. Bao nhiêu kinh nghiệm diệt chuột, ông đúc rút, viết ra cuốn sách với cái tên: "Giáo trình diệt chuột", dự kiến sẽ được xuất bản vào ngày gần đây.
"Máy gặt Tư Sang"Là tên mà người dân nhiều vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long gọi chung cho các loại máy gặt đập liên hợp của cơ sở Tư Sang (khu phố Cầu Xéo, Hậu Thành, Cái Bè, Tiền Giang). Cha đẻ của thương hiệu này chính là ông Nguyễn Văn Lang, một lão nông chỉ được học hết lớp 5.
Từ cuộc sống của một người đi làm thuê, khoảng năm 1980 ông Lang chuyển sang làm thùng máy suốt lúa, phóng lúa, được nông dân ưa chuộng vì độ bền. Lúc bấy giờ trên thị trường đã có máy gặt đập của Liên Xô, Nhật, nhưng không thích hợp với điều kiện canh tác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy là ông bắt đầu để tâm nghiên cứu, vận dụng từ nguyên lý của máy nước ngoài. Hơn 10 năm miệt mài với máy cắt suốt trên đồng ruộng, ông đã thành công. Năm 2006, sau nhiều lần cải tạo, chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH) hiệu Tư Sang đầu tiên ra đời.
Hiện tại, cơ sở đang sản xuất đại trà loại máy GĐLH thế hệ mới mang tên GĐLH-1.8 do anh Nguyễn Hồng Thiện, con trai của ông nghiên cứu, chế tạo thành công. Máy này có xích bằng cao su để tăng khả năng chống lún khi di chuyển trên ruộng lúa lầy lội thay vì xích sắt trước kia. Đặc biệt, giàn cào gạt lúa kiểu guồng gạt được cải tiến có thể bốc được những cây lúa bị ngã đổ nghiêng đến 45 độ. Tính năng đặc biệt này giúp giảm việc gặt sót lúa, đồng thời rất hữu dụng trên những ruộng lúa bị mưa gió làm xiêu đổ. Theo Nguyễn Hồng Thiện, sở dĩ máy GĐLH của anh được ưa chuộng là nhờ chất lượng vượt trội mà giá chỉ tương đương máy nhập ngoại. Máy Trung Quốc nặng đến 2,5-2,6 tấn nên đều bị lún khi đưa xuống ruộng, còn máy của cơ sở Tư Sang nặng khoảng 2,1 tấn nên phạm vi sử dụng rộng hơn. Máy của nước ngoài có kết cấu phức tạp và khó điều khiển, tiêu hao khoảng 20-24 lít dầu/ha trong khi GĐLH-1.8 chỉ tốn nhiên liệu một nửa mà dễ điều khiển...
Anh Nguyễn Hồng Thiện cho biết thêm, mặc dù giá bán một chiếc máy GĐLH không phải là thấp, khoảng 190-200 triệu đồng, nhưng mỗi tháng cơ sở Tư Sang làm ra gần 25 máy vẫn không kịp để giao hàng. Gần đây, Tư Sang đang tìm cách tiếp thị máy GĐLH sang thị trường Campuchia nhiều tiềm năng. Không chỉ giúp Nguyễn Hồng Thiện có của ăn, của để, máy GĐLH còn đem về cho anh giải nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ X trong lĩnh vực cơ khí, xây dựng và giao thông vận tải.