Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá trị đặc biệt

Thế Văn| 06/08/2021 06:13

(HNM) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành phố Hà Nội và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa trong bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, nhất là tiêu chí về nhà văn hóa thôn.

Nhà văn hóa - một phần không thể thiếu trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, giữ vai trò quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, phổ biến, nâng cao tri thức, thỏa mãn nhu cầu văn hóa của người dân - đã được nhiều địa phương chú trọng đầu tư gắn với tiêu chí nông thôn mới. Có địa điểm tổ chức, các hoạt động hội họp, văn nghệ, thể thao của người dân phong phú, đa dạng hơn và bức tranh nông thôn mới cũng ngày càng sinh động.

Với ý nghĩa ấy, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp thúc đẩy xây dựng nhà văn hóa thôn, trong đó có việc các quận hỗ trợ kinh phí cho các huyện còn khó khăn về nguồn vốn. Nhiều địa phương cũng huy động nguồn lực từ cộng đồng cư dân, doanh nghiệp để xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn còn thiếu 130 nhà văn hóa theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch bởi các địa phương thiếu kinh phí xây dựng, nâng cấp…

Mặt khác, ở một số địa phương còn tồn tại tình trạng nhà văn hóa khang trang nhưng không có kinh phí để mua sắm trang thiết bị, duy trì hoạt động. Một số nơi, chính quyền còn thiếu chủ động trong việc tổ chức khai thác công năng của thiết chế nhà văn hóa; chưa có được những hoạt động phù hợp với đặc thù địa phương nên chưa thu hút sự tham gia của đông đảo người dân… Việc xây dựng mô hình quản lý hoạt động của nhà văn hóa, thiết chế văn hóa ở các thôn, làng cũng còn nhiều bất cập.

Với mục tiêu đến hết năm 2022, tất cả thôn, làng trên địa bàn thành phố đều có nhà văn hóa đạt chuẩn, thời gian tới, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách cho các địa phương chưa có nhà văn hóa để xây dựng công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Về phần mình, các địa phương cần chủ động hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đồng thời tăng cường giám sát để bảo đảm chất lượng công trình. Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp… trên địa bàn để có thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của nhà văn hóa và tu bổ nâng cao chất lượng các công trình văn hóa, thể thao.

Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, các địa phương cũng cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý, vận hành nhà văn hóa một cách hợp lý; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực quản lý, vận hành nhà văn hóa mang lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt là tìm tòi, mở rộng chức năng của nhà văn hóa theo hướng đa năng, đa dạng để có thêm nhiều loại hình hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu và thu hút được sự tham gia của người dân địa phương.

Hệ thống nhà văn hóa trên địa bàn thành phố có giá trị đặc biệt, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân mà còn là nơi nuôi dưỡng, duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa cộng đồng. Với việc các thôn, làng sớm có đủ và phát huy tối đa hiệu quả của nhà văn hóa, mức thụ hưởng văn hóa và chất lượng đời sống tinh thần của người dân ngoại thành Hà Nội chắc chắn sẽ được nâng cao hơn, để nông thôn mới thật sự là “điểm đến” ấm no, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá trị đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.