(HNMO)- Giá trị của “Tình yêu phi thường” không phải là thứ dễ dàng bắt gặp khi ta đọc xong cả tiểu thuyết, nhưng hãy ngẫm nghĩ nó vào một ngày lặng, và bạn sẽ hiểu hết giá trị của tác phẩm cũng như dần hiểu hết giá trị của cuộc đời, giá trị của niềm vui, của hạnh phúc, của nỗi khổ đau và cả giá trị của tình yêu.
(HNMO)- Giá trị của “Tình yêu phi thường” không phải là thứ dễ dàng bắt gặp khi ta đọc xong cả tiểu thuyết, nhưng hãy ngẫm nghĩ nó vào một ngày lặng, và bạn sẽ hiểu hết giá trị của tác phẩm cũng như dần hiểu hết giá trị của cuộc đời, giá trị của niềm vui, của hạnh phúc, của nỗi khổ đau và cả giá trị của tình yêu. Tiểu thuyết “Tình yêu phi thường” của tác giả Từ Triệu Thọ do Công ty sách Bách Việt và NXB Lao Động ấn hành vừa ra mắt độc giả Việt.
Tiểu thuyết “Tình yêu phi thường” là câu chuyện xoay quanh nhân vật Trương Duy là một tài văn nở sớm, tài năng của anh được ươm mầm từ tuổi thơ dữ dội với người cha từng bị đấu tố và luôn đắm chìm trong men rượu khi mà người mẹ của cậu cũng vì thời cuộc loạn lạc rồi bỏ cha con cậu mà đi. Ngỡ rằng theo học trường đại học danh tiếng Phương Bắc thì tài năng cùng phẩm hạnh của Trương Duy sẽ sớm đơm hoa kết trái. Ấy vậy mà trường đại học với phương pháp giảng dạy cũ kĩ cùng các trang giáo án không được làm mới của các vị thày giáo chỉ biết đọc thuộc lòng chưa bao giờ ru ngủ hay làm dịu được lý tưởng mạnh mẽ của Trương Duy. Chán ngán, thất vọng. Cậu khiêu chiến với tất cả, từ những giảng viên lỗi lạc tới những sinh viên ưu tú của trường. Cậu sinh ra đã như là dấu đối lập với trường lớp, với cuộc sống hiện thực, với những giá trị vật chất tầm thường.
Trương Duy điển hình cho một thế hệ nhỏ thanh niên thức thời lúc bấy giờ, những con người đã chán chường với một Trung Quốc cổ hủ . Họ muốn vươn cao, vươn xa hơn nữa, mong vượt qua nó - những rào cản của giáo điều khuôn mẫu, một cuộc sống tôn thờ vật chất hòng đạt được sự tự do tuyệt đối như những bậc hiền triết. Họ- có người thành công như thầy Dị Mẫn Chi, nhưng cũng không ít người phải tìm đến cái chết để giải thoát bản thân. Trương Duy cũng đã từng đi trên những con đường mà các bậc đàn anh chị đã đi, nhưng dường như hai lần tự tử hụt của cậu như một sự đùa cợt quá trớn của số phận khiến cậu không còn cách nào khác phải đối mặt với cuộc sống trần trụi khắc nghiệt. Trương Duy gửi gắm tâm sự, hoài bão của mình vào những con chữ, những vần thơ. Cậu đã thành công. Nếu văn đàn đón nhận cậu như một vĩ nhân, thì cuộc đời lại loại cậu ra như một kẻ khùng. Thành công đến cũng chính là lúc mọi người quay lưng với cậu. Bạn gái Trương Duy là Ngô Á Tử- người con gái khác thường với các cô gái bình thường, nhưng lại tầm thường với con người phi thường Trương Duy. Cô khác ở chỗ xinh xắn, khéo léo và tài hoa hơn các cô gái trong trường, nhưng với Trương Duy, cô không mong nhìn ra “Đạo” của anh, với Ngô Á Tử thì cô chỉ ấp ủ một cuộc sống đủ đầy về vật chất và vô ưu về tinh thần.. Vì đó nên cuộc tình của họ luôn lâm vào tình trạng chênh vênh. Nếu Trương Duy là cánh diều bay bổng thì Ngô Á Tử là sợi dây diều, con diều Trương Duy càng bay bổng bao nhiêu thì sợi dây Ngô Á Tử càng ghìm anh lại với hiện thực bấy nhiêu. Để rồi, khi cả hai đã mệt nhoài vì những lý tưởng sống khó dung hòa. Sự buông tay là điều không khó hiểu.
Chia tay Ngô Á Tử, Trương Duy mất bến đậu, rồi anh ngả mình với Vu Lệ, rồi Mạo Khiết, nhưng rồi tất cả cũng chỉ như những bến đỗ dọc đường, chẳng ai đủ sức níu kéo Trương Duy. Số phận lại một lần nữa ngoảnh mặt với cậu khi người mẹ đẻ mà cậu mới đoàn viên ít lâu tự tử. Sóng gió dồn dập dường như đã đánh gục cậu hoàn toàn. Tìm tới bệnh viện như điểm dừng chân bất đắc dĩ. Nhưng chính ở đây cuộc đời cậu đã rẽ sang một ngả khác. Cậu đã tìm được lời đáp cho câu hỏi lớn của đời mình. Hóa ra cái điều mà Trương Duy đi kiếm tìm bấy lâu thực ra lại rất gần gũi. Tình yêu, hạnh phúc thực ra lại không quá xa vời. Có điều cái giá cho câu trả lời này là cả một cuộc đời sóng gió lỡ làng của Trương Duy? Liệu lúc này đã là quá muộn cho cậu vớt vát lại những điều lẽ ra thuộc về mình?
Cuộc đời của Trương Duy như một tiếng gầm thét, như một cú tát mạnh mẽ vào cái xã hội mà chân lý đã bị xoay vần bởi đồng tiền và cuộc sống vật chất tầm thường. Cũng qua số phận Trương Duy, độc giả đồng cảm hơn nỗi trăn trở mang tính thời đại của một lớp người lấy lời văn con chữ làm mục đích sống, và càng thấm thía hơn câu nói chua xót: “cơm áo không đùa với khách thơ”.
Nhà văn Từ Triệu Thọ từng nổi tiếng với các cuốn tiểu thuyết Nhật ký phi thường, Sinh năm 1980, Tình ảo, và hiện nay là Tình yêu phi thường thực ra cũng vẫn là một tiểu thuyết nêu vấn đề, trong đó có nói về tín ngưỡng của thanh niên. Với hy vọng “những thanh niên đã từng có suy nghĩ tự tử đọc nó, chỉ cần ngăn được việc họ tự tử là tôi đã thấy thỏa mãn rồi”, tác giả mong ước rằng mình đã làm được một “việc tốt” khi sống trên cộc đời. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.