Trong vòng 1 tháng qua, giá tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) liên tục tăng. Tính ra, nếu bán hơn 20 kg tỏi, nông dân trồng tỏi trên đảo sắm được 1 chỉ vàng.
Ngay trên đảo Lý Sơn, hiện tỏi khô loại thường có giá bán dao động từ 160.000 - 170.000 đồng/kg; loại tỏi mỗi củ chỉ có 1 tép (còn gọi là tỏi cô đơn, tỏi mồ côi) vị thơm cay nồng đặc biệt có giá bán từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/kg. Cùng thời điểm này năm ngoái, tỏi loại thường chỉ 60.000 - 70.000 đồng/kg và tỏi cô đơn hơn 800.000 đồng.
Nhiều hộ trồng tỏi ở đất đảo cho hay đây là năm giá tỏi Lý Sơn tăng cao nhất từ trước đến nay. Bà Trần Thị Ái, một nông dân ở xã An Hải, nói rằng dù giá cao nhưng lượng tỏi Lý Sơn mà người dân dự trữ còn quá ít nên cũng không còn nhiều để bán. Do vậy, vào thời điểm này, tỏi Lý Sơn chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện, chủ yếu bán cho khách du lịch ra đảo tham quan chứ không có để chuyển vào đất liền như các năm trước.
Theo bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, sở dĩ giá tỏi Lý Sơn tăng cao là do vụ tỏi đông xuân 2015 - 2016 mất mùa nặng. Toàn huyện có đến hơn 242/336 ha tỏi bị bệnh tuyến trùng rễ và bệnh vàng lá nên năng suất thiệt hại từ 45 - 70%. Thậm chí, nhiều diện tích tỏi mất trắng hoàn toàn. Do mất mùa nên tổng sản lượng tỏi khô trên địa bàn huyện chỉ đạt 825 tấn, giảm 1.832 tấn so với vụ tỏi đông xuân 2014 - 2015, ước thiệt hại hơn 128,2 tỉ đồng.
“Trong khi sản lượng tỏi Lý Sơn sụt giảm quá nhiều thì nhu cầu thị trường lại tăng cao, nhất là lượng du khách ra đảo có nhu cầu mua tỏi tăng mạnh dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu. Chưa có năm nào tỏi Lý Sơn lại khan hiếm ngay trên đảo tỏi nên đã đẩy giá tăng cao kỷ lục”, bà Hương nói.
Để tránh tình trạng “chở tỏi ra đảo tỏi” tái diễn như các năm trước nhằm mục đích trà trộn giữa tỏi trồng ở các địa phương khác với tỏi Lý Sơn rồi bán thu lời bất chính, theo bà Hương, chính quyền địa phương ngoài việc hỗ trợ 6 tàu vận tải hàng hóa trên tuyến giao thông đường biển Sa Kỳ - Lý Sơn, mỗi tàu 6 triệu đồng/năm, đồng thời còn buộc các tàu này cam kết không chở tỏi trồng từ nơi khác ra đảo Lý Sơn, nếu tàu nào vi phạm sẽ bị cấm hoạt động. Riêng tàu cá chở tỏi ra đảo Lý Sơn sẽ bị tước giấy phép khai thác thủy sản.
“Theo tôi, tình trạng chở tỏi nơi khác ra đảo trà trộn với tỏi Lý Sơn, nhái thương hiệu tỏi Lý Sơn không còn nữa. Chắc chắn bây giờ tỏi bán trên đảo chính hiệu là tỏi Lý Sơn, còn ở đất liền thì chúng tôi không dám chắc vì nằm ngoài tầm kiểm soát của huyện”, bà Hương khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Định, Phó chủ tịch Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn, cho rằng chỉ có thể phân biệt được giữa tỏi Trung Quốc, Thái Lan với tỏi Lý Sơn. Còn giữa tỏi trồng ở Ninh Hiển (Khánh Hòa) với tỏi Lý Sơn thì ngay chính dân đảo Lý Sơn cũng... bó tay, trừ khi ăn vào mới biết được thật, giả. Do vậy, khi tư thương trà trộn giữa tỏi Ninh Hiển với tỏi Lý Sơn rồi đóng vào bao bì mang nhãn mác “Tỏi Lý Sơn” để bán thì người tiêu dùng chẳng biết đâu mà lần. Theo ông Định, việc làm giả thương hiệu tỏi Lý Sơn để bán thu lời không chỉ “bôi bẩn” thương hiệu tỏi Lý Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) công nhận mà còn khiến Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn loay hoay tìm phương cách chống việc mua bán tỏi Lý Sơn “dỏm”.
“Theo tôi, vấn đề đặt ra cần phải làm ngay là dán tem chống hàng giả trên bao bì. Cái này chính quyền Lý Sơn trực tiếp quản lý hoặc giao cho hiệp hội làm thì mới có thể chấm dứt nạn bán tỏi Lý Sơn dỏm”, ông Định kiến nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.