(HNM) - Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước 2 tháng đầu năm đã tăng 3,35% so với tháng 12-2009.
Mặc dù giá tiêu dùng tăng mạnh do chịu ảnh hưởng của quy luật tăng giá sau Tết, đặc biệt từ ngày 1-3, giá điện sẽ tăng 6,8%, cùng với việc tăng giá xăng dầu trước đó sẽ làm cho mức tăng CPI quá nhanh sẽ gây áp lực cho việc giữ vững mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá cả năm 2010 ở mức 7%. Diễn biến tăng giá hiện tại đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách sớm có những điều chỉnh phù hợp nhằm đưa thị trường ổn định trở lại.
Thực phẩm là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh sau Tết. Ảnh: Linh Tâm |
Giá hàng hóa đều tăng
Theo Tổng cục Thống kê, CPI của cả nước trong tháng 2 đã tăng 1,96% so với tháng 1, đưa CPI 2 tháng đầu năm tăng 3,35% so với tháng 12-2009. 10/11 nhóm hàng trong rổ hàng hóa chung đã tăng 0,12-3,09%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 1,23% do các doanh nghiệp (DN) liên tục thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá. Dẫn đầu về mức tăng giá là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 3,09%; trong đó thực phẩm tăng 3,46%, lương thực: 2,94%; đồ uống và thuốc lá: 2,27%; nhà ở và vật liệu xây dựng: 1,75%; giao thông: 1,45%; may mặc, mũ nón, giày dép: 1,39%; văn hoá giải trí du lịch: 1,22%... So với cùng kỳ năm 2009, giá vàng tăng tới 42,58%; giá USD tăng 8,34%. Đặc biệt, tháng 2, CPI ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng mạnh. Tại Hà Nội, CPI tháng 2 đã tăng 2,61% so với tháng 1 và tăng 9,69% so với cùng kỳ năm 2009. 4 /11 nhóm hàng tiêu dùng, gồm hàng ăn; đồ uống và thuốc lá; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình đã có mức tăng khá cao, dao động từ 2,28 % đến 4,24%. Tốc độ tăng giá tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 2 là 1,68%, tăng 9,45% so với cùng kỳ năm 2009. Mặc dù, theo quy luật, tháng 3 hằng năm là thời điểm tốc độ tăng giá chậm lại, giúp điều hòa tốc độ tăng CPI cả năm, song với thực tế hiện nay, tốc độ tăng CPI sẽ có những biến động. Bởi, trong tháng 3, tác động của việc tăng giá một số mặt hàng thiết yếu sẽ khiến giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ lên cao. Trên thực tế, một số DN kinh doanh sữa đã thông báo nâng giá bán 6-8% do tỷ giá thay đổi khiến giá nguyên liệu nhập khẩu lên cao. Giá cước taxi, vé máy bay... cũng sẽ điều chỉnh tăng do chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu.
Giải pháp nào kiềm chế tăng giá?
Những diễn biến phức tạp về tốc độ tăng giá đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế và dư luận xã hội lo lắng. Theo mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra, năm 2010 phấn đấu kiềm chế tốc độ tăng giá ở mức 7%, nhưng chỉ 2 tháng đầu năm, CPI đã tăng 3,35%. TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, mặc dù việc giữ chỉ số lạm phát cả năm theo đúng mục tiêu đặt ra là thách thức lớn, nhưng năm 2009 Việt Nam đã thành công trong việc điều hành kinh tế và kiềm chế lạm phát ở mức dưới 7%, tạo ra một tiền đề tốt. Thêm vào đó, những biện pháp để kiểm soát tốc độ tăng giá thì thế giới đã đúc kết kinh nghiệm và nhiều nơi thực hiện thành công. Theo quy luật, sau tháng Tết, CPI sẽ hạ nhiệt và việc tăng hay giảm CPI những tháng tiếp theo mới cho thấy dấu hiệu của cả năm. Vì vậy, việc điều hành giá dựa trên những thông số này sẽ chính xác và tác động tích cực đến tình hình thực tế.
Nhận xét về tốc độ tăng CPI, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cơ quan quản lý đã dự kiến chỉ số tăng giá trong quý I khoảng gần 4%, bởi đây là tháng Tết, lễ hội. Khi xây dựng chỉ tiêu kiềm chế lạm phát, các bộ, ngành cũng tính đến việc giá một loạt mặt hàng thiết yếu, như điện, than, nước sạch...Tuy nhiên, những diễn biến kinh tế phức tạp đòi hỏi chúng ta phải kịp thời đưa ra các chính sách phù hợp. Nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao hơn mức 25% để tạo thanh khoản cho DN. Nhưng nếu tăng tín dụng, sẽ gây khó cho việc kiềm chế lạm phát. Việc hạ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ 38% (năm 2009), xuống 25% (năm 2010) cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu quả đồng vốn. Vì, nếu tăng trưởng tín dụng quá cao mà không chú trọng đến hiệu quả đồng vốn sẽ gây những bất ổn lâu dài đến nền kinh tế.
Mua xăng tại cửa hàng xăng dầu trên đường Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Đàm Duy |
Để bình ổn thị trường theo hướng tích cực, bền vững, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nên tập trung giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững các cân đối lớn về thu chi ngân sách... Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ giá của một số loại hàng hóa dịch vụ độc quyền Nhà nước quản lý, cần có biện pháp điều hành mạng lưới dự trữ và lưu thông hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, như gạo, xi măng, thép xây dựng... để Chính phủ có thể thực thi các chính sách điều tiết giá thị trường hiệu quả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.