(HNM) - Sau Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau xanh, thịt gà, thịt bò, cá… đã
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, giá thịt lợn vẫn đứng ở mức cao, nhưng người chăn nuôi lại không có lãi. Khảo sát của PV Báo Hànộimới tại các chợ như Cầu Giấy, Hà Đông... thịt lợn nạc vai có giá 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 80.000 đồng/kg, thịt mông 90.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm trước Tết từ 10-20%. Giá lợn tăng giúp người nông dân bán hàng thuận lợi, nhưng trên thực tế, chi phí sản xuất cũng tăng tỷ lệ thuận với mức tăng giá. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục 3-4 lần, mỗi lần tăng thêm từ 500-650 đồng/kg; giá con giống, thuốc thú y và các chi phí khác cũng tăng mạnh nên người chăn nuôi may lắm cũng chỉ thu hồi được vốn hoặc chỉ lấy công làm lãi. Hiện giá lợn hơi loại 1 tại các trang trại chỉ được 40.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi đã là 38.000 - 39.000 đồng/kg.
Ông Bùi Văn Điệp, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Thanh Oai khẳng định, giá thịt lợn tại các chợ nội thành hiện cao hơn 15.000 - 20.000 đồng/kg so với khu vực ngoại thành. Trong khi đó lợn hơi xuất chuồng tại các địa phương đã giảm 10% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Với giá bán cao như vậy, các thương lái có thể lãi tới 30-40%. Hiện tượng bán thịt lợn với giá cao ở các chợ chủ yếu là do một bộ phận thương lái "làm giá".
Theo ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT), nông dân thường không tự mang sản phẩm của mình đi bán, mà thông qua thương lái. Lực lượng thương lái liên kết khống chế giá ở từng khu vực chăn nuôi để mua với giá rẻ nhưng bán ra với giá cao khiến cho người chăn nuôi và người tiêu dùng đều thiệt. Nhiều chủ trang trại chăn nuôi cho rằng, cần phải liên kết "4 nhà" trong tiêu thụ sản phẩm, Nhà nước đứng ra làm trọng tài, nếu không vẫn xảy ra tình trạng thương lái "làm giá" kiếm lời trên lưng người tiêu dùng và nông dân.
Nông dân đang phải chịu hai lần khổ, lãi sản xuất giảm, trong khi phải mua hàng hóa tiêu dùng giá cao. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của mỗi người nông dân trong việc tăng năng suất và chất lượng sản phẩm để bán ra thị trường với giá cao, có lãi nhiều hơn, các cấp, các ngành có liên quan cần có những hình thức hỗ trợ nông dân giảm chi phí đầu vào như bình ổn giá thức ăn chăn nuôi… để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người chăn nuôi ở khu vực ngoại thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.