Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia tăng vi phạm giao thông đường thủy nội địa: Chế tài chưa đủ mạnh?

Tuấn Lương| 25/03/2016 06:52

(HNM) - Chỉ trong ít ngày của tháng 3-2016 đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế-xã hội. Nguyên nhân chung của cả hai vụ việc là chủ tàu, lái tàu coi thường pháp luật, không tuân thủ quy tắc giao thông…


Tai nạn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan

Chiều 6-3, tàu Thành Luân 28 mang số hiệu HP 3016 không chở hàng, chạy trên sông Kinh Môn hướng Hải Dương-Hải Phòng đã bất ngờ đâm vào cầu An Thái (tỉnh Hải Dương), khiến giao thông qua đây bị tê liệt. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, con tàu có trọng tải gần 3.200 tấn, đã hết hạn đăng kiểm từ tháng 1-2016. Trước khi xảy ra vụ việc, tàu Thành Luân 28 sửa chữa ở cảng Hà Bình (Hải Dương). Ngay sau khi sửa chữa xong, thuyền trưởng đã cho tàu xuất cảng dù chưa được cấp phép và gây tai nạn. Nghiêm trọng hơn, con tàu với tải trọng hơn 3.000 tấn này đã đi vào khúc sông có giới hạn tải trọng tối đa 600 tấn. Chi phí để giải phóng con tàu bị mắc kẹt và sửa chữa, gia cố cầu An Thái có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Vụ tai nạn ĐTNĐ ở Hải Dương còn chưa lắng xuống thì trưa 20-3, lại thêm vụ một sà lan đâm làm sập Cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai) khiến sà lan lật úp, đường ray xe lửa bị kéo đứt 3m. Tuyến đường sắt Bắc Nam bị tê liệt hoàn toàn. Rất may không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về các mặt kinh tế-xã hội là không thể đo đếm. Theo kết quả xác minh của Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc tàu kéo sà lan đã hết hạn kiểm định gần 3 tháng.

Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, số phương tiện thủy quay lại đăng kiểm hằng năm không đúng hạn còn nhiều. Số liệu thống kê các phương tiện không chính xác, có thể là số liệu ảo, vẫn còn trường hợp có những phương tiện mới nhưng không được khai báo và lực lượng chức năng khó kiểm soát các phương tiện nhỏ.

Báo cáo của Cục ĐTNĐ Việt Nam cho thấy, riêng năm 2015, cả nước đã xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông ĐTNĐ, làm chết 44 người, bị thương 8 người, chìm đắm 93 phương tiện. Trong đó, có tới 45 vụ đâm va, không tuân thủ quy tắc giao thông; 15 vụ chở quá tải trọng cho phép; 7 vụ đâm va vào cầu, đường dây điện; 3 vụ phương tiện hết hạn đăng kiểm vẫn hoạt động; 3 vụ chạy sai luồng tuyến và 4 vụ lái tàu say rượu vẫn điều khiển phương tiện. Như vậy, có tới 77/109 vụ tai nạn xuất phát từ ý thức coi thường pháp luật của chủ tàu, lái tàu.

Tăng nặng chế tài xử lý

Ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết: Tình hình trật tự ATGT đường thủy vẫn diễn biến rất phức tạp. Hiện công tác thanh tra, kiểm tra mới chỉ tập trung ở một số địa bàn, một số nhóm đối tượng, trên các tuyến trọng điểm và trong thời gian cao điểm mà chưa bảo đảm thường xuyên, liên tục trên toàn địa bàn. Tình trạng phương tiện chở quá tải trọng vẫn xảy ra, đặc biệt là phương tiện thủy nội địa chở vật liệu xây dựng. Ý thức chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ của một bộ phận người tham gia còn kém. Chính nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường thủy của người dân còn nhiều hạn chế là nguyên nhân dẫn tới gia tăng tai nạn giao thông đường thủy thời gian gần đây. Vì vậy, để kiểm soát và giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí đến mức thấp nhất thì cần thiết phải tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa 3 Cục (Cục ĐTNĐ, Cục CSGT, Cục Đăng kiểm Việt Nam) để đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát, kiên quyết không cấp phép rời cảng, bến đối với các phương tiện vi phạm chở khách quá số người quy định, vận tải vượt trọng tải cho phép, thiếu trang thiết bị bảo đảm an toàn… Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông ĐTNĐ.

Theo ông Phạm Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, giao thông đường thủy phức tạp hơn giao thông đường bộ. Lực lượng chức năng trên đường thủy cũng mỏng hơn. Song yếu tố có tính quyết định gây ra các vụ tai nạn lại là ý thức của thuyền viên, do họ không chấp hành các quy định chặt chẽ của cơ quan chức năng. Hiện nay, trên đường thủy cũng đang có hiện tượng "nhờn luật". Bên cạnh đó, nước ta còn nhiều cầu được xây dựng từ lâu, độ tĩnh không thấp, đang trong tình trạng "mong manh". Do đó, vấn đề nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật giao thông ĐTNĐ cần có sự quán triệt từ trên xuống dưới, của cả cộng đồng. Đồng thời, các chế tài xử lý phải thật chặt chẽ, đầy đủ.

Theo Cục ĐTNĐ, hiện cả nước có 427 cầu nằm trên các tuyến vận tải ĐTNĐ trung ương. Trong đó, có 125 cầu tĩnh không bảo đảm chạy tàu; 64 cầu cần ưu tiên nâng cấp; 5 cầu thuộc diện đặc biệt phải nâng cấp, gồm cầu Long Biên, Cầu Đuống (Hà Nội), Cầu Chui (Hải Phòng), Cầu Ghềnh (Đồng Nai) và cầu Bình Lợi (TP Hồ Chí Minh).
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng vi phạm giao thông đường thủy nội địa: Chế tài chưa đủ mạnh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.