Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia tăng sân golf ngoài quy hoạch: Ba phương án xử lý

Gia Khánh| 03/06/2011 06:58

(HNM) - Mới có 24 sân golf đưa vào sử dụng, khai thác; nhiều dự án chậm tiến độ; 27 dự án nằm ngoài danh mục; 69 dự án kết hợp kinh doanh bất động sản, khu du lịch, trong đó có dự án diện tích lớn hàng nghìn mét vuông… Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã đề xuất 3 phương án để xử lý tình trạng trên.


27 sân golf ngoài danh mục


Sân golf Tam Đảo, một trong 24 sân đã được đưa vào khai thác và sử dụng. Ảnh: Bảo Lâm


Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, trong số 90 sân golf và dự án sân golf theo quy hoạch đã được phê duyệt, mới có 24 sân golf đưa vào khai thác; còn lại hầu hết đang trong giai đoạn xây dựng, cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong 59 dự án đã có quyết định thu hồi đất, diện tích đất lúa 1 vụ chỉ có 2%, đất trống, đồi núi trọc, đất cát ven biển chiếm 41%... Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cho biết 46/59 dự án xây dựng chậm tiến độ, hồ sơ về đất chưa đúng với thực tế sử dụng, xây sân golf khi quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt, chưa ký hợp đồng thuê đất, nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Đáng lưu ý, chỉ có 21/90 sân golf, dự án sân golf đơn thuần kinh doanh môn thể thao này. Còn lại 69 dự án đều kết hợp kinh doanh bất động sản, khu du lịch. Nhiều dự án có diện tích chiếm đất lớn như dự án Tam Nông (Phú Thọ) 2.069ha nhưng diện tích xây dựng sân golf chỉ có 171ha; khu du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội) có diện tích 1.204ha, trong đó diện tích sân golf 222ha; khu du lịch - đô thị sinh thái hồ Quan Sơn (Mỹ Đức - Hà Nội) có tổng diện tích 1.730ha, trong đó sân golf chỉ có 161ha; dự án khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) diện tích 2.042ha, trong đó sân golf là 143ha…

Qua kiểm tra, Bộ KH-ĐT còn phát hiện 27 sân golf, trên địa bàn 13 tỉnh, nằm ngoài danh mục quy hoạch (theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được duyệt. Trong đó, 5 dự án đang xây dựng, 5 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trước khi có Quyết định số 1946/QĐ-TTg. Ngoài ra, Bộ KH-ĐT cũng cho biết đã nhận được tờ trình của các địa phương đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung 12 sân golf vào hệ thống sân golf cả nước. Như vậy, tổng số các dự án sân golf (tính cả trong quy hoạch, ngoài quy hoạch và đề nghị bổ sung) lên tới 129.

Xử lý thế nào?

Bộ KH-ĐT cho rằng, việc có 27 sân golf ngoài danh mục quy hoạch và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt (nhiều nhất là ở Phú Quốc - Kiên Giang có 5 sân golf), trách nhiệm trước hết thuộc về các tỉnh đã không thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc không thống kê đủ, báo cáo thiếu dẫn đến tình trạng sân golf được cấp phép trước khi có Quyết định 1946/QĐ-TTg nhưng không được đưa vào danh mục quy hoạch. Quan điểm của Bộ là cần cân nhắc kỹ cả trước mắt lẫn lâu dài, có dự báo xu thế phát triển gắn với quản lý quỹ đất, lợi ích đầu tư của dự án với xã hội và dư luận. Mặt khác, việc xem xét bổ sung quy hoạch sân golf phải tuân thủ nghiêm các tiêu chí, điều kiện hình thành đã quy định, tuyệt đối không sử dụng đất trồng lúa, đất màu, đất rừng, đất khu công nghiệp làm dự án sân golf.

Để giải quyết số sân golf ngoài quy hoạch và các địa phương đề nghị bổ sung, Bộ KH-ĐT đề xuất 3 phương án. Phương án 1, giữ nguyên số lượng sân golf đến năm 2020. Cụ thể, rút khỏi danh mục 5 sân golf (90 dự án trong danh mục) do không triển khai, để tình trạng "treo" hoặc phải chuyển đổi mục đích đầu tư, bổ sung 5 dự án (trong số 27 dự án ngoài danh mục) đã được cấp phép đầu tư từ năm 2006 đến năm 2008 (trước thời điểm có Quyết định 1946/QĐ-TTg). Những dự án này hoàn toàn không có đất lúa, chủ yếu là đất cát hoang ven biển đã giải phóng xong mặt bằng, đang xây dựng. Phương án 2, rút khỏi danh mục 5 dự án như phương án 1 và bổ sung 11 dự án vào danh mục (trong đó có 5 dự án nêu trong phương án 1). Như vậy, tổng số sân golf đến năm 2020 sẽ tăng từ 90 lên 96. Phương án 3, điều chỉnh tổng thể một lần và quy hoạch cứng số lượng sân golf đến năm 2020. Cụ thể, rút 5 dự án như phương án 1 nhưng bổ sung thêm 33 dự án (trong số ngoài danh mục và địa phương đề nghị), đưa tổng số sân lên 118. Đồng thời, ban hành thêm quy định về giải pháp tổ chức quy hoạch, tiến độ, năng lực tài chính, giải quyết việc làm, môi trường… Bộ KH-ĐT nghiêng về phương án này khi cho rằng 118 dự án sân golf đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện hình thành, nằm ở khu vực có tiềm năng phát triển du lịch cao, là vùng đất cát, đồi núi trọc không có khả năng sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. Ngoài ra, với quy hoạch như vậy, đến năm 2020 sẽ không phải điều chỉnh bổ sung thêm, tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý và thực hiện quy hoạch. Trực tiếp quản lý về quy hoạch sân golf, Bộ KH-ĐT chịu trách nhiệm thẩm định, điều chỉnh, bổ sung dự án trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trước khi giao về chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư, không xem xét bổ sung thêm số lượng sân golf.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng sân golf ngoài quy hoạch: Ba phương án xử lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.