Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá rét dài ngày: Nông dân khốn đốn, sản xuất thiệt hại

Chí Kiên| 31/12/2013 06:06

(HNM) - Đến hôm qua (30-12) là ngày thứ 16 liên tiếp có rét đậm, rét hại ở khu vực Bắc bộ, gây thiệt hại lớn cho nhiều địa phương, nhất là khu vực vùng núi phía Bắc.



Cơ quan khí tượng thủy văn dự báo, từ ngày 1-1-2014 trở đi, không khí lạnh sẽ suy yếu, nền nhiệt độ Bắc bộ ấm dần lên. Tuy nhiên ở các tỉnh vùng núi vẫn cần đề phòng, bởi thời tiết tiếp tục duy trì rét đậm, rét hại...

Nhiều diện tích rau màu ở Lào Cai bị thiệt hại nặng nề do tuyết phủ trắng.


Trong đợt rét kéo dài nhiều ngày qua, tỉnh Lào Cai thiệt hại nặng nề nhất. Tại huyện Sa Pa, trận mưa tuyết kéo dài hiếm gặp trong hai ngày 15 và 16-12-2013 đã phủ trắng tuyết với độ dày từ 10 đến 15cm, có nơi lên đến 40cm, gây thiệt hại không nhỏ cho nông nghiệp và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Thống kê của tỉnh Lào Cai cho thấy, toàn tỉnh có hàng trăm con trâu, bò bị chết; hơn 1.000ha rau màu các loại tại các huyện Sa Pa, Bát Xát... bị hư hại. Tại Hà Giang, rét đậm, rét hại kéo dài cũng gây ra hiện tượng băng tuyết và sương muối ở nhiều xã vùng cao, làm thiệt hại nặng về hoa màu. Tỉnh Sơn La cũng có gần 1.000ha cây công nghiệp (chủ yếu là cây cà phê) bị "cháy" do sương muối, tập trung ở các xã Chiềng Mung, Chiềng Ban (Mai Sơn); xã Hua La (TP Sơn La) và xã Phỏng Lăng, Phỏng Lái (Thuận Châu)...

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, trong những ngày vừa qua, UBND các tỉnh trong khu vực bị chịu thiệt hại nặng đã tập trung chỉ đạo, đưa cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở giúp người dân khắc phục thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

Tại Hà Nội, người dân ở khu vực vùng núi thuộc các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống rét như dự trữ thức ăn khô, đốt lửa sưởi ấm nên đến thời điểm này, đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội vẫn được bảo vệ an toàn. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương chủ động kinh phí phục vụ công tác phòng, chống rét; hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc để mua thức ăn bổ sung và gia cố, che chắn chuồng trại. Do được che chắn tốt và chủ động triển khai các biện pháp chống rét, các vựa hoa, cây cảnh, trái cây: Đào, quất, bưởi, cam Canh... phục vụ cho Tết Nguyên đán ở các huyện Mê Linh, Đan Phượng... không bị thiệt hại. Các khu vực trồng đào ở Hà Nội, người dân đã thực hiện các biện pháp làm ấm cho cây khi có rét đậm như thắp điện sáng vào ban đêm; ủ gốc cây bằng rơm... Đối với diện tích cây trồng vụ đông như ngô, đỗ tương... năng suất cây trồng có bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày, vào thời kỳ cây chuẩn bị thu hoạch.

Hiện có một số diện tích mạ trà xuân sớm đã được nông dân ở khu vực phía tây thành phố gieo và đều đã được ủ ấm bằng ni lông để chống rét. Để bảo đảm đủ mạ cho vụ xuân sắp tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt yêu cầu các địa phương tập trung gieo mạ xuân đúng lịch (sau tiết đại hạn khi điều kiện thời tiết cho phép), bảo đảm các biện pháp kỹ thuật phòng, chống rét cho mạ; chỉ đạo thực hiện các biện pháp che, phủ cho mạ theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. "Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tình trạng gia súc, gia cầm, thủy sản, diện tích mạ mới gieo bị chết do chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống rét" - Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Đối với diện tích rau chưa bị thiệt hại và còn khả năng phục hồi, cần tuyên truyền để nông dân không bón đạm đơn, mà dùng phân NPK hoặc phân vi sinh, phân hữu cơ… bón cho cây kết hợp ủ gốc bằng mùn và các vật liệu giữ ấm, ẩm. Khi có hiện tượng sương muối, buổi sáng cần tưới phun hoặc dùng ô doa tưới nước để rửa lớp băng giá trên lá, tránh hiện tượng bị vỡ tế bào gây hiện tượng "luộc lá".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá rét dài ngày: Nông dân khốn đốn, sản xuất thiệt hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.