(HNM) - Không
Lý do khiếu kiện được đưa ra cũng vô cùng phong phú như niêm yết giá bán nhà bằng USD, thanh toán bằng Việt Nam đồng nhưng quy đổi theo tỷ giá USD; dự án chậm tiến độ; nhà đã bàn giao nhưng hạ tầng chưa hoàn thiện rồi những chậm trễ khi làm "sổ đỏ"... Trong đó, nổi lên như vụ kiện chủ đầu tư của các cư dân sống tại chung cư KeangNam (đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm). Mức thu phí dịch vụ ngất ngưởng được tính bằng USD cộng với hạ tầng không đáp ứng được tiêu chuẩn "tương đương 5 sao" như chủ đầu tư cam kết đã khiến chủ nhân của các căn hộ hàng chục tỷ đồng phản ứng. Sau nhiều lần kiến nghị và mới đây nhất là cuộc đối thoại kéo dài đến 24h đêm mà vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự - đại diện cho các hộ dân tại tòa nhà KeangNam đã có văn bản gửi đến Vụ Quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND TP Hà Nội tố cáo chủ đầu tư niêm yết giá bán căn hộ bằng USD cũng như thu phí vượt trần.
Một điều dễ nhận thấy là những nội dung khách hàng đưa ra khiếu kiện chủ đầu tư các dự án hoàn toàn không mới mà nó đã phát sinh, tồn tại rất lâu từ dự án này qua dự án khác, chỉ có điều đến nay mới được các "thượng đế" quan tâm. Dân cư đô thị tăng nhanh, đồng thời thu nhập và sức mua của người dân được nâng cao đã khiến nhu cầu về đất ở, nhà ở luôn ở mức cầu vượt quá cung. Điều này đã khuyến khích các hoạt động đầu cơ đất đai, mua bán BĐS theo kiểu chộp giật. Có lẽ, đến thời điểm này khi thị trường BĐS bước vào giai đoạn ảm đạm, khi lợi nhuận từ BĐS không còn là những khoản chênh lệch kếch xù thu về trong nháy mắt và tâm lý "cứ mua được là thắng" người mua mới kịp định thần, xem xét lại các bản hợp đồng mà không ít trong số đó vừa có nội dung vi phạm pháp luật, vừa vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng.
Nhìn nhận về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, những năm qua, trong lĩnh vực BĐS, quyền lợi của người tiêu dùng gần như chưa bao giờ được xem trọng do sự chênh lệch giữa cung và cầu quá lớn. Một bộ phận nhà đầu tư, chủ dự án vì lợi ích cá nhân đã ép người mua ký vào những bản hợp đồng mà phần lợi nghiêng về họ. Vì "khát" nhà cộng với thiếu hiểu biết, "thượng đế" nhắm mắt ký liều. Đến khi có mâu thuẫn phát sinh, hai bên không thỏa thuận được, hoặc trong trường hợp chủ đầu tư né tránh, không thực hiện đúng các cam kết và trách nhiệm của mình, họ mới tính đến chuyện khởi kiện.
Việc khách hàng khởi kiện chủ đầu tư khi quyền, lợi ích hợp pháp không được bảo đảm như hiện nay tuy có chậm nhưng hoàn toàn chính đáng. Khi "cung" và "cầu" trong giao dịch BĐS đang ở mức tương đối cân bằng như hiện nay và khi mỗi khách hàng đều trở thành "người tiêu dùng thông thái", chắc chắn họ sẽ không phải chịu phần thiệt thòi trong giao dịch như trước kia. Giá như, người tiêu dùng nhận ra điều này sớm hơn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.