(HNM) - TS Nguyễn Huy Hoàng không xa lạ với văn giới ở Việt Nam và nước Nga. Ông là tác giả của 10 tập thơ từ năm 1995 đến nay, cùng một số tập truyện, ký sự, đồng thời là người chủ trì việc chuyển ngữ
Đúng như tên gọi "Canh ngọn đèn đợi sáng" mang lại cảm giác về một hành trình dài mà nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã qua và vẫn đang tiếp tục. Gần 100 bài thơ ở tập thơ này được viết trong hai năm qua, kỳ thực là được chắt ra từ mấy chục năm trên hành trình hy vọng ấy.
"Và tôi đã trải qua bao đêm dài trăn trở không phải chỉ trong căn phòng tuổi tác ở Thủ đô Mátxcơva, mà gần ba chục năm trên những chặng hành trình dằng dặc khắp nước Nga mênh mông; bên những cánh rừng trong đêm hè ấm áp; trong lều da bạt khi xung quanh tru lên tiếng sói săn mồi; hay bên những bếp lửa rực hồng tận cực bắc lạnh gần năm chục độ âm (…). Tôi đã từ bỏ mọi thứ dành cho mình ở phía trước để ở lại nước Nga với một niềm hy vọng gặp lại đứa con gái đầu lòng thất lạc của mình…".
Thật khó khăn khi phải nhắc lại niềm riêng tư ấy, nhưng nếu không thì sẽ không đi hết được những đắng đót của lòng người trong tập thơ này. Trong đó phải kể đến một phần không nhỏ những bài thơ thức dậy ký ức về một vùng quê của tác giả, và rộng ra là về dải đất nhỏ bé hình chữ S: "Anh cũng thế, bỗng bây giờ rất lạ/Tuổi cần quên mà cứ nhớ cồn cào". "Đâu rồi, bếp rạ, mái tranh/Đâu rồi, lối ngõ uốn quanh xóm nghèo?/Sân đình bến nước trong veo/Cây đa, đêm hội, trăng treo. Đâu rồi!". Xa xứ. Nhớ quê… Hẳn rồi! Nhưng nhớ quê mà buộc phải xa quê thì nỗi nhớ ấy không phải ai cũng tỏ. Và cũng từ tấm gương ký ức quê hương, hình ảnh về nước Nga cũng được phản chiếu trong nhiều thi phẩm. Như cái mùa thu đầy rung động của xứ sở Bạch Dương, khi "Đêm đêm, những chiếc lá vàng/Vẫn cứ rơi vào giấc ngủ".
TS Nguyễn Huy Hoàng cho biết: "Xuyên suốt tập thơ vẫn là nhân vật trữ tình giãi bày tâm trạng, thường là yếu đuối, mong manh trước vũ trụ…, nhưng vẫn không hề tuyệt vọng, bi quan". Mà thật vậy, làm sao gọi là bi quan được khi mỗi câu thơ còn như đang lắng nghe "hơi thở" cuộc sống, còn cho thấy người viết vẫn đối diện với thăng trầm đời sống bằng một tâm hồn nhạy cảm, một trái tim tha thiết với cuộc đời. Thì đây: "Tôi đang sống như hôm nay, ngày cuối/Chỉ sợ mai, không sao kịp nữa rồi/Giá có thể, em trong tay. Im lặng/Mơ một lần. Chỉ thế. Một lần thôi". Thậm chí, ông còn hóm hỉnh, trào lộng như trong một loạt bài thơ "Đi câu cá", "Nhảy dù", "Giấc mơ ban ngày"… để sau cùng vẫn là gửi gắm tình đời sâu nặng.
Điều đáng nói là tất cả đều tự nhiên, như những lời cất lên từ cuộc sống. Trong những lời ấy, như tiếng thở dài đã nén, đôi bài thơ nhớ về con gái của ông vẫn làm người đọc bàng hoàng: "Bạn ba, giờ đã ông bà/Bạn con, giờ đã cửa nhà, chồng con/Vắng con hai chục năm tròn/Tóc vương bên gối như còn hôm qua"...
Đêm mùa đông ở nước Nga kéo dài đáng sợ. Nhưng đêm dài đến đâu thì cũng sẽ đến lúc trời sáng. Người đàn ông chọn thơ làm điểm tựa này không chỉ khiến ta xúc động trước nỗi lòng một người Việt xa quê, trước cái tình riêng thăm thẳm của người cha "Một mình một bóng, đêm đêm/Tay mơ tìm mái tóc mềm phương con", mà còn làm cho ta phải tin vào điều tốt đẹp đương nhiên ở phía trước!
Giá như khi đọc tập thơ này, có thể ngăn được dòng nước mắt!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.