Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá giảm, dự án vẫn không có khách hàng

Gia Khánh| 12/07/2012 06:12

(HNM) - Theo đánh giá của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), 6 tháng đầu năm thị trường BĐS tiếp tục gặp khó khăn. Giá BĐS, nhà ở giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch.

Thị trường bất động sản cả nước chưa có dấu hiệu hồi phục. Ảnh: Khánh Nguyên

Tại thị trường Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, số lượng giao dịch BĐS thành công được ghi nhận rất ít, chủ yếu tại các dự án đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành; khách hàng phần lớn là người ngoại tỉnh, các gia đình trẻ mua căn hộ chung cư có diện tích vừa và nhỏ (60m2 đến 100m2), giá từ 1,5 tỷ đến 2,5 tỷ đồng/căn. Những dự án chung cư đang thi công, dự án xa trung tâm, chưa có hạ tầng, căn hộ có diện tích lớn hoặc dự án đang trong giai đoạn góp vốn hầu như không có giao dịch. Ghi nhận về giá nhà ở, 6 tháng qua giá căn hộ chung cư tiếp tục có chiều hướng giảm, trong khi giá nhà biệt thự, liền kề giảm mạnh tại những khu vực trước kia tăng giá bất thường. Có những dự án, giá nhà biệt thự, nhà liền kề giảm tới 50% so với thời kỳ đỉnh điểm (quý I-2010), nhưng vẫn rất ít giao dịch thành công.

Tại TP Hồ Chí Minh, thị trường BĐS trầm lắng kéo dài từ đầu năm 2009 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Số lượng giao dịch thành công rất thấp, thậm chí nhiều dự án mở bán trong giai đoạn 6 tháng đầu năm còn không có khách hàng. Mức giá sau khi điều chỉnh hạ ở giai đoạn 2010 và 2011 đã ở mức rất thấp. Nhiều doanh nghiệp BĐS, kinh doanh dịch vụ BĐS thực sự gặp khó khăn. Thậm chí không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ tiềm lực tài chính hạn chế, khi thị trường trầm lắng đã thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Hiện, nhiều chủ đầu tư đã có xu hướng chuyển dần sang dự án chung cư có căn hộ diện tích nhỏ, giá bán thấp, dù vậy giao dịch thành công cũng không nhiều.

Thị trường BĐS trầm lắng không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp BĐS mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, gây đình trệ sản xuất cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng, doanh nghiệp xây lắp… Lượng hàng tồn kho vật liệu xây dựng, nhất là xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh tăng lên. Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hẳn sản xuất để tránh thua lỗ nặng. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 5-2012, lượng xi măng tồn kho tại các nhà máy là 2,8 triệu tấn, tồn kho gạch ốp lát khoảng 50 triệu mét vuông, tương đương 2 tháng sản xuất theo công suất thiết kế; 40 dây chuyền phải ngừng sản xuất từ 1 đến 2 tháng, tương ứng 30% năng lực sản xuất toàn ngành. Cả nước có 7 doanh nghiệp sản xuất kính tấm lớn, với công suất thiết kế 150 triệu mét vuông, nhưng hàng tồn kho hiện khoảng 50 triệu mét vuông, tương ứng sản lượng của 4 tháng sản xuất. Tính trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng tiêu thụ của toàn ngành xi măng vào khoảng 23,8 triệu tấn, chỉ bằng 43% kế hoạch năm, vận hành 80% công suất thiết kế hiện có của tất cả các nhà máy. Từ đầu năm 2012 chỉ có 2 trong số nhà máy gạch bê tông khí chưng áp sản xuất cầm chừng, còn lại 7 nhà máy ngừng hoạt động vì không có thị trường tiêu thụ, lượng hàng tồn kho hơn 1 tỷ viên gạch quy tiêu chuẩn. Riêng doanh nghiệp thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước, sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 9,6 triệu tấn, bằng 37% kế hoạch; kính xây dựng tiêu thụ 10 triệu mét vuông, bằng 58% cùng kỳ 2011, tồn khoảng 12 triệu mét vuông; gạch ốp lát tiêu thụ 9,3 triệu mét vuông, bằng 33% kế hoạch, 57% cùng kỳ 2011, tồn khoảng 2,6 triệu mét vuông.

Cũng theo Bộ Xây dựng, tổng giá trị kinh doanh nhà ở và hạ tầng của các doanh nghiệp trực thuộc quản lý của Bộ ước đạt hơn 4.445 tỷ đồng, bằng 59% so với cùng kỳ năm 2011. Kinh doanh nhà và hạ tầng gặp khó khăn do ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ; lượng vốn huy động từ xã hội giảm xuống rất thấp do thị trường BĐS đóng băng, cùng những hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nhiều dự án phát triển nhà, khu đô thị hoặc phải dừng đầu tư hoặc triển khai tiến độ chậm - báo cáo của Bộ Xây dựng nhấn mạnh. Đánh giá về xu thế thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, 6 tháng cuối năm vẫn là giai đoạn khó khăn, bởi độ trễ của các chính sách tài chính, lãi suất ngân hàng; đồng thời do tâm lý chờ đợi thị trường ổn định của khách hàng nên lượng vốn trong xã hội cũng khó "đổ" ồ ạt vào thị trường này như những năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá giảm, dự án vẫn không có khách hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.