(HNM) - Đến thời điểm này, giá thịt thương phẩm, con giống và trứng gia cầm đều giảm mạnh khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên.
Giảm từ con giống đến thương phẩm
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), không chỉ giá con giống giảm mà giá các loại gia cầm thương phẩm cũng giảm mạnh. Hiện giá gà lông trắng đang bán với giá 28.000-29.000 đồng/kg, gà lông màu 47.000-48.000 đồng/kg. Với giá này người nuôi đang lỗ 9.000-10.000 đồng/kg. Gà ta thả vườn giá 80.000-90.000 đồng/kg, giảm 10.000-15.000 đồng/kg so với các tháng trước. Trong khi đó, giá vịt khoảng 45.000-46.000 đồng/kg, giá ngan 50.000-55.000 đồng/kg, giảm khoảng 30% so với các tháng trước. Ngoài ra, giá trứng gia cầm cũng giảm mạnh, các loại trứng gà bán tại trang trại (TT) có giá 1.300-1.400 đồng/quả, giảm 600-700 đồng/quả so với đầu tháng 11. Với giá này, người nuôi gà đẻ trứng đang chịu lỗ 300-400 đồng/quả. Theo Cục Chăn nuôi, nguyên nhân giá giảm trong thời điểm này là các công ty chăn nuôi gia cầm và người nuôi nhỏ lẻ tái đàn mạnh để phục vụ thị trường cuối năm khiến cho cung vượt cầu. Do khủng hoảng kinh tế nên nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân và các công ty chế biến thực phẩm cũng giảm 20% so với cùng thời điểm các năm trước.
Giá gia cầm giảm mạnh khiến nông dân lo “mất” Tết. |
Anh Đặng Đình Tiên - Giám đốc Công ty Trứng gà sạch Tiên Viên (Chương Mỹ) cho biết, không chỉ giá trứng gia cầm giảm khoảng 50% so với các tháng trước, mà lượng tiêu thụ sản phẩm của công ty cũng giảm. Các tháng trước, bình quân trứng gà sạch Tiên Viên tiêu thụ trên thị trường với số lượng trên 1 triệu quả/tháng nhưng khoảng một tháng nay chỉ bằng 2/3 số lượng của các tháng trước. Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá trứng gia cầm sẽ tiếp tục giảm khiến nhiều chủ trại nuôi gà lo lắng và nhiều hộ đang tìm cách chuyển sang nuôi gia công cho các công ty nước ngoài để không bị thua lỗ. Còn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thời điểm này càng trở nên khó khăn hơn. Chị Bùi Thị Mai, hộ nuôi gà ở Thanh Oai cho biết: Vào khoảng tháng 10, thấy giá các loại thịt GSGC bắt đầu tăng, gia đình chị đã nhập khoảng 100 con gà lông trắng giống về nuôi để gỡ lại trong dịp Tết, nhưng nay giá thịt gà thương phẩm giảm sâu, tính toán cụ thể mỗi kilôgam gà thành phẩm phải đầu tư tiền giống, cám, chuồng trại sưởi ấm mất tới 32.000-34.000 đồng/kg trong khi chỉ bán được giá 29.000 đồng/kg. Giá gà giảm mạnh khiến các hộ chăn nuôi như "ngồi trên đống lửa"!
Chỉ tại chăn nuôi nhỏ lẻ!
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Trần Công Xuân, chăn nuôi gia cầm đóng vai trò quan trọng với tỷ trọng chiếm 17,1% trong cơ cấu các loại thịt GSGC. Nhìn chung chăn nuôi gia cầm ở nước ta phổ biến là quy mô nhỏ, mang tính tận dụng. Khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường còn yếu, thị trường chăn nuôi gia cầm có nhiều biến động, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước và người chăn nuôi đều phụ thuộc vào giá của các công ty chăn nuôi gia cầm nước ngoài nên bị lệ thuộc ngay trên chính đất nước mình. Hiện giá con giống, thịt thương phẩm và trứng gia cầm đều giảm mạnh là do người dân nhận định chủ quan, chưa xác định được nhu cầu của thị trường, đầu tư ồ ạt, làm ăn theo kiểu "phong trào" khiến cho cung vượt cầu và người chịu thiệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các công ty nước ngoài sản xuất theo chu trình khép kín từ con giống tới thức ăn chăn nuôi nên giá đầu ra có giảm thì vẫn có lãi. Trong khi đó, các TT chăn nuôi gia cầm trong nước kể cả nuôi quy mô lớn đều nhập thức ăn chăn nuôi, khiến cho các loại chi phí đầu vào tăng cao nên khi giá đầu ra giảm là bị lỗ.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho rằng, để duy trì tổng đàn gia cầm trong cả nước, bảo đảm nguồn cung thực phẩm Tết, các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ về vốn, ưu đãi lãi suất cho các TT chăn nuôi lớn. Các địa phương cần hướng dẫn, phổ biến quy trình nuôi dưỡng phối trộn thức ăn chăn nuôi bằng các nguồn nguyên liệu tại chỗ để vừa giảm chi phí giá thành chăn nuôi vừa hạn chế sự lệ thuộc quá nhiều vào nguồn thức ăn công nghiệp, mở các lớp về đào tạo kỹ năng tìm hiểu thị trường cho các chủ TT giúp cho họ nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng để có phương án chăn nuôi thích hợp, tránh tình trạng đầu tư ồ ạt, được "mùa mất giá".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.