(HNM) - Nhiều vụ trọng án mà hung thủ tuổi đời còn rất trẻ, nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến mâu thuẫn gia đình đã xảy ra dịp tết Nguyên đán vừa qua.
Chương trình “Học làm người có ích” tổ chức cho các em học sinh. |
Ngày 6-1, chị Ngô Thị H. (SN 1976, trú tại Khu tập thể Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) bị hai đối tượng tấn công, gây thương tích nặng và cướp đi một túi xách. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong tại bệnh viện. Trong hai đối tượng gây án, một người vừa bước vào tuổi 20, từng là nhân viên của nạn nhân.
Ngày 3-2, một vụ án mạng xảy ra tại Thôn Thượng, xã An Đổ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Th. (SN 1956), sống độc thân, bán tạp hóa tại nhà. Nghi phạm là Phạm Minh Vương, mới 18 tuổi, trú tại địa phương, trốn lên Hà Nội và bị bắt ngày 13-2…
Ngoài hai vụ này, trong những ngày Tết, trên địa bàn cả nước còn xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng (cướp, cướp giật, giết người do mâu thuẫn…) mà nghi can tuổi đời đều còn trẻ, gây án với chính người thân quen, chủ yếu chỉ để kiếm ít tiền thỏa mãn nhu cầu cá nhân hoặc giải quyết mâu thuẫn tức thời.
Không chỉ vậy, nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến mâu thuẫn gia đình, tình cảm cá nhân khiến nhiều người trẻ quẫn bách tìm cách quyên sinh mà vụ một thanh niên nhảy cầu Chương Dương tự tử ngày 16-2 là dẫn chứng. Có thể lý giải, do ngày Tết, nhiều bạn trẻ uống rượu bia quá mức dẫn đến những hành vi mất kiểm soát. Song bên cạnh đó, nhiều vụ việc xảy ra là do mâu thuẫn, bức xúc, rạn nứt trong quan hệ gia đình diễn ra từ lâu mà không được giải quyết dứt điểm. Đổ vỡ hôn nhân cũng là nguyên nhân dẫn đến gia tăng tội phạm, vi phạm pháp luật trong giới trẻ. Khi gia đình không còn là "tổ ấm", thanh, thiếu niên rất dễ sa ngã, mắc vào tệ nạn như ma túy, mại dâm, tiếp đến là các hành vi vi phạm pháp luật khác. Từ đó, con đường dẫn đến phạm pháp hình sự hoặc từ bế tắc dẫn đến có các hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội rất gần.
Phải chăng vai trò giáo dục của nhà trường và xã hội đối với giới trẻ hiện nay có phần mờ nhạt? Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, nghiên cứu số phạm nhân phạm tội giết người đang thụ án tại các trại giam cho thấy, tội phạm giết người, đặc biệt là số vụ án giết người có tính chất dã man có một phần xuất phát từ sự gia tăng của yếu tố bạo lực trong xã hội và các yếu tố tiêu cực từ gia đình. 46% người phạm tội xuất thân trong những gia đình "có vấn đề" (bố, mẹ hoặc anh, chị, em là những người có tiền án, tiền sự, làm những nghề phi pháp); 18% có bố mẹ ly hôn, phải sống với anh chị, ông bà từ nhỏ; 14% sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp, xung đột, cãi vã thường xuyên; 7% xuất phát trong gia đình giàu có nhưng có lối sống buông thả, ích kỷ, được nuông chiều thái quá; 11% có hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn...
5 năm qua, mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 vụ án, với hơn 15.000 đối tượng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên. Tình trạng trẻ hóa tội phạm đã được báo động mà nguyên nhân từ phía gia đình đã được chỉ rõ. Vấn đề đặt ra là nếu mỗi gia đình - tế bào xã hội không có ý thức giáo dục con em mình, phó mặc cho nhà trường, xã hội thì trong những năm tới, tội phạm, vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên khó có thể kiềm chế… Vì thế, hãy bắt đầu bằng việc quan tâm, chăm lo, xây dựng gia đình thực sự là "tổ ấm" cho mọi thành viên, đặc biệt là người trẻ.
Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính: Số vụ án về hôn nhân gia đình đã và đang tăng. Năm 2015, riêng TAND hai cấp của Hà Nội đã thụ lý hơn 12.000 vụ án hôn nhân gia đình, tăng 4% (hơn 460 vụ) so với năm 2014, tăng nhiều so với những năm trước đó. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng tội phạm, vi phạm pháp luật trong giới trẻ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.