Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia đình là yếu tố đặc biệt quan trọng

Nguyễn Đức| 23/09/2010 07:05

(HNM) - Chủ đề của Tháng An toàn giao thông (ATGT) năm nay là


Từ trẻ em trên 6 tuổi


Đội mũ bảo hiểm vừa để bảo vệ, vừa giúp trẻ hình thành ý thức, văn hóa giao thông ngay từ nhỏ. Ảnh: Phương An

Chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) của Chính phủ đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của cả xã hội. Đến nay, khoảng 90% người lớn khi tham gia giao thông đã đội MBH. Đội mũ đạt tiêu chuẩn, đúng quy cách là phương pháp hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ chấn thương sọ não và tử vong khi xảy ra tai nạn. Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đội MBH sẽ giảm tới 69% nguy cơ chấn thương đầu và 42% tỷ lệ tử vong nếu có tai nạn. Tổ chức này đánh giá rất cao nỗ lực và kết quả mà Chính phủ Việt Nam đạt được. Tuy nhiên, nếu như tỷ lệ người lớn đội MBH đạt khá cao thì tỷ lệ trẻ em đội MBH là vấn đề đáng lưu tâm. Để bảo đảm an toàn cho các em, tại Nghị định 34/NĐ-CP do Chính phủ ban hành mới đây đã quy định trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông bằng xe máy cũng phải đội MBH. Nếu không đội mũ BH cho trẻ em, người lớn điều khiển phương tiện sẽ bị phạt. Tuy nhiên, như đại diện của WHO tại Việt Nam Jonathon Passmore nhận xét, rất nhiều trẻ em từ 6 tuổi trở lên được người lớn chở bằng xe máy vẫn không đội MBH.

Trong thực tế, việc giáo dục luật lệ ATGT đã được đưa vào nhà trường từ mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, do thói quen đội MBH mới được xác lập nên việc chú ý tới trẻ nhỏ chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì thế, mới đây, Ban Tuyên giáo TƯ cùng Bộ GTVT, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), WHO đã phát động tăng cường tuyên truyền đội MBH cho trẻ em và nhận được sự ủng hộ tích cực của đông đảo cơ quan truyền thông đại chúng.

Đến học sinh phổ thông trung học

Không khó để bắt gặp học sinh THPT đi mô tô, xe máy, chở ba người, không đội MBH trên đường phố Hà Nội. Học sinh THPT chưa đủ tuổi để được học, thi và cấp bằng điều khiển mô tô. Chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe mà điều khiển mô tô là lỗi vi phạm giao thông nghiêm trọng. Vậy mà không ít em còn không đội MBH, chở ba. Có thể nói, ở nội thành thì trường THPT nào cũng có học sinh tự đi mô tô, xe máy đến lớp và xin không kể tên đích danh từng trường.

Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài tuyên truyền, các trường đều không nhận trông giữ phương tiện cho học sinh. Tuy nhiên, có cầu ắt có cung, không ít người dân gần trường học sẵn sàng tổ chức trông giữ xe. Thậm chí có nơi không biết bằng cách nào còn "chiếm" được cả đoạn vỉa hè để trông xe cho học sinh phạm luật. Các cơ quan chức năng có lỗi không? Chắc chắn là có bởi quản lý chưa tốt, vẫn để xảy ra vi phạm. Nhưng, xét thấu đáo, lỗi lớn nhất lại thuộc về phụ huynh khi cho con đi xe, tiếp tay cho con em vi phạm, gây nguy hiểm không chỉ cho bản thân mà còn cho xã hội.

Theo Giáo sư Vũ Khiêu, giáo hóa là việc nhà trường phải làm, nhưng chủ yếu là của gia đình. Do đó, việc không đội MBH cho trẻ trên 6 tuổi, hay việc cho học sinh THPT đi mô tô đến trường lỗi lớn nhất là các bậc phụ huynh. Để thực hiện "Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng", các bậc phụ huynh đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì gia đình chính là từng tế bào của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia đình là yếu tố đặc biệt quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.