(HNM) - Sau những đợt biến động mạnh về giá trong quý I-2010, sang quý II, giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã ổn định, giúp chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm lại. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, cung cầu hàng hóa những tháng đầu năm được giữ ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá, gây bất ổn đến đời sống của người dân. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, những tháng cuối năm, Bộ sẽ tăng cường thanh tra giá và thuế với những mặt hàng thiết yếu, góp phần kiềm chế lạm phát năm nay ở mức 7%.
Giá điện sẽ ổn định trong những tháng cuối năm. Ảnh: Ngọc Hà |
- 6 tháng đầu năm vừa khép lại với những biến động mạnh về giá thị trường. Ông nhận định gì về công tác điều hành giá?
- Nhiều biến động về giá đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm. Với chức năng là cơ quan tham mưu chỉ đạo điều hành giá, Cục đã xây dựng nhiều phương án bình ổn, điều hành giá các loại vật tư, hàng hóa quan trọng, có tác dụng tích cực, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, gây đột biến về giá. Phương án điều hành giá được thực hiện theo hướng bình ổn, không cứng nhắc, vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh, vừa góp phần kiểm soát và kiềm chế lạm phát. Cục đã đề xuất kịp thời các biện pháp điều chỉnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, than, thuốc chữa bệnh, xăng dầu... nhằm hạn chế thấp nhất tác động đến đời sống của người dân. Do có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6-2010 chỉ tăng 4,78% so với tháng 12-2009, góp phần bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2010 ở mức 7%.
- Theo dự báo, trong 6 tháng cuối năm, có nhiều yếu tố khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, phải chuẩn bị phương án gì để đối phó với điều này?
- Nhiều tổ chức kinh tế đã đưa ra những nhận định trái chiều về diễn biến giá thị trường 6 tháng cuối năm. Những dự báo khả quan cho rằng, nền kinh tế dần phục hồi đà tăng trưởng khiến giá nhiều loại hàng hóa tăng cao. Dự báo bi quan lại cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu khiến giá cả khó tăng cao và không thể xảy ra đột biến giá. Các bộ, ngành đều đã có phương án dự phòng để đối phó với tình trạng giá nguyên, nhiên liệu tăng cao. Ví dụ, nếu giá xăng, dầu tăng lên mức 95USD/thùng thì phương án điều hành sẽ thế nào và làm gì để giá cả bình ổn... Các phương án sẽ thực hiện theo nhiều cách khác nhau, song đều xoay quanh chỉ đạo của Thủ tướng về việc linh hoạt sử dụng quỹ bình ổn; sử dụng công cụ thuế, phí… để xử lý sao cho giá ổn định, ít tác động đến đời sống và sản xuất, kinh doanh.
- Sữa bột, thuốc chữa bệnh là những mặt hàng thiết yếu dự kiến sẽ biến động giá trong dịp cuối năm. Cục sẽ làm gì để các DN không thể lách luật, tăng giá bất hợp lý?
- Kết quả thanh tra do Bộ Tài chính thực hiện cho thấy, các DN kinh doanh sữa có biểu hiện lách luật, tăng giá. Tuy nhiên, theo Nghị định 75/NĐ-CP về kinh doanh những mặt hàng quan trọng, chỉ DN nào có 50% vốn nhà nước trong vốn điều lệ thì mới phải đăng ký giá. Các DN kinh doanh sữa hiện nay đều không trong diện này, nên để quản lý tốt giá sữa, chúng ta phải sửa ngay quy định về đăng ký, kê khai giá. Việc sửa đổi phải bảo đảm để mọi thành phần kinh tế đang kinh doanh trên đất Việt Nam đều bình đẳng về đăng ký giá và tuân thủ nghiêm Pháp lệnh giá.
Với mặt hàng thuốc chữa bệnh, hiện đã thực hiện kê khai giá theo quy định. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công thương kiểm soát việc kê khai, đăng ký giá của DN kinh doanh thuốc. Việc trích hoa hồng dành cho bác sĩ xảy ra vừa qua không liên quan đến vấn đề quản lý giá, mà do những bất cập trong cơ chế đấu thầu, quản lý giá thuốc và đạo đức của những người hành nghề.
- Cuối năm là thời điểm thường xảy ra biến động lớn về giá. Cục sẽ làm gì để thực hiện mục tiêu bình ổn giá thị trường, giữ ổn định đời sống và tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh?
Để góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, Cục sẽ duy trì giá điện bán cho các hộ sản xuất, tiêu dùng; giá than, giá khí bán cho sản xuất điện đến hết năm 2010. Phương án giãn thời gian điều chỉnh tăng giá xăng, dầu sẽ tiếp tục được thực hiện... Đặc biệt, Cục Quản lý giá sẽ kịp thời đưa ra những phân tích, dự báo về tình hình giá cả, hỗ trợ đắc lực cho công tác kiểm tra, kiểm soát giá. Bên cạnh đó, Cục sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra về việc chấp hành giá, thuế đối với nhiều mặt hàng, đặc biệt là những hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá; thuộc diện đăng ký, kê khai giá. Phương án điều hành giá sẽ theo hướng bình ổn, bảo đảm ổn định đời sống của người dân và không tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.