(HNM) - Trước thềm hội nghị ngày 17-4, giá dầu đã từ mức thấp kỷ lục 30 USD/thùng nhích lên trên 40 USD/thùng bởi những kỳ vọng về thỏa thuận
Hội nghị của OPEC tại Doha đã không đạt được thỏa thuận nào. |
Hội nghị thượng đỉnh giữa các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới đã kết thúc mà không có một thỏa thuận nào đạt được. Sự sụp đổ của cuộc đàm phán này báo hiệu rằng giá dầu thô thế giới có thể chịu sức ép mới sau một thời gian hồi phục không đáng kể.
Sau 6 giờ đàm phán căng thẳng, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed bin Saleh al-Sada cho biết các nước khai thác dầu mỏ đều tuyên bố rằng cần "thêm thời gian". Theo đó, thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã thông báo với các nước nằm ngoài tổ chức này rằng họ cần đạt được thỏa thuận trong nội bộ OPEC, có thể là trong một hội nghị vào tháng 6 tới trước khi mời các nước khai thác dầu khác tham gia thỏa thuận này.
Dù đã có nhiều hy vọng về việc các quốc gia đang nắm giữ phần lớn túi dầu thế giới sẽ có một sự đồng thuận nào đó để ít nhất thúc đẩy niềm tin thị trường nhưng sự kiện này không nằm ngoài dự đoán khi Iran, một thành viên OPEC đã quyết định không tham dự cuộc họp quan trọng này vào phút chót. Tehran đã bác bỏ các lời kêu gọi "đóng băng" sản lượng khi cho rằng nước này muốn đưa sản lượng về các mức trước khi bị cấm vận rồi mới bắt đầu kìm hãm việc "xuất hàng" vào thị trường.
Điều này cho thấy một sự chia rẽ gay gắt ngay nội bộ OPEC. Nhà phân tích thị trường Angus Nicholson nhận định tình hình địa chính trị ở Trung Đông hiện nay là yếu tố góp phần khiến cuộc họp tại Doha đổ vỡ. Trước sự kiên quyết của Iran, Saudi Arabia chắc chắn sẽ "không đời nào" giảm sản lượng để nhường thị phần cho đối thủ chính trị này giữa lúc quan hệ giữa hai quốc gia đang trong tình trạng khủng hoảng với sự đối đầu tại Yemen, Syria và Iraq.
Như để đáp trả hành động không tham gia hội nghị của Iran, ngay buổi sáng 17-4, trước khi cuộc họp diễn ra, Saudi Arabia thêm một mục mới vào dự thảo thỏa thuận "đóng băng" khối lượng khai thác dầu được chờ ký kết ở Doha khi yêu cầu tất cả các thành viên OPEC phải tham gia thỏa thuận. Iran tuyên bố không ký cam kết. Ngay lập tức, Phó Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho Bloomberg biết rằng, nước này có thể tăng sản lượng dầu thô thêm hơn một triệu thùng một ngày ngay lập tức "nếu muốn". Động thái này như một thông điệp ngầm rằng OPEC hoặc cùng "đóng băng" sản lượng hoặc Riyadh sẽ "chơi tới cùng". Xét trên quan điểm thị trường, khi dầu mỏ đã trở nên thừa thãi, việc "người anh cả" của OPEC tiếp tục bơm dầu sẽ chỉ khiến giá dầu thêm thê thảm. Nếu vậy, mục tiêu trở lại thị trường của Tehran sẽ hoàn toàn bất lợi.
Tuy nhiên, một khi điều này xảy ra thì những "đại gia dầu mỏ" cũng "chuốc" thêm lo lắng. Kể từ lúc giá dầu giảm hồi tháng 11-2014, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đã phải "móc hầu bao" 315 tỷ USD để bù vào nguồn thu mất đi. Trong đó, Saudi Arabia phải xuất ra 138 tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại tệ. Tiếp theo là Nga, Algeria, Libya và Nigeria. Hãng Fitch Ratings hôm 13-4 đã hạ mức tín nhiệm của Saudi Arabia xuống còn AA- Standard & Poor cũng như Moody đã thực hiện điều tương tự trước đó. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 12-4 dự báo thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia trong năm nay sẽ bằng 10,2% GDP, cao nhất kể từ năm 1998. Tương tự như vậy, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đang đối mặt với thâm hụt cán cân thanh toán trong năm nay.
Ngay sau khi cuộc họp Doha, giá dầu trên thị trường đã lao dốc, giảm hơn 5% trong các phiên giao dịch sáng 18-4 tại Châu Á. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ giảm 5,62% xuống còn 38,05 USD/thùng, dầu thô Brent giảm 5,22% xuống 40,85 USD/thùng. Và khi quân bài domino đầu tiên được kích hoạt, giá cổ phiếu năng lượng cũng theo đó lao dốc. Tại Nhật Bản, cổ phiếu Japan Petroleum giảm 6%, Inpex giảm 7,39%... Nhìn chung, không còn nghi ngờ gì về việc giá dầu sẽ còn chịu những áp lực nặng nề trong thời gian tới.
Trong đó, ngoài sự dư thừa về nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu yếu ớt, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia sẽ làm trầm trọng thêm cuộc chiến giành thị phần trên thị trường năng lượng. Các chuyên gia không loại trừ khả năng giá dầu sẽ lập thêm các mức kỷ lục (sụt giảm) mới. Trước mắt, mọi sự chú ý sẽ được hướng đến cuộc họp của các nước thành viên OPEC vào tháng 6 tới, nơi tổ chức này có thể buộc phải ra tay trước khi "bi kịch" xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.