Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá dầu thô xuống đáy: Có hay không sự thao túng thị trường?

Vân Khanh| 08/11/2014 06:14

(HNM) - Khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS bắt đầu nổi lên như một tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, điều làm giới đầu tư toàn cầu lo ngại nhất là một cú sốc về giá đối với dầu mỏ khi nhiều giếng dầu và cơ sở sản xuất loại nhiên liệu quan trọng nhất hành tinh đã nằm trong tay đội quân


Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Mặc cho Trung Đông bị kéo vào một chu kỳ bất ổn mới, bất chấp cuộc đối đầu Đông - Tây căng thẳng giữa phương Tây và Nga, giá dầu thô vẫn liên tục rơi theo chiều thẳng đứng, từ mức 100 USD/thùng của mùa hè năm ngoái, tụt xuống dưới 80 USD/thùng, chỉ trong vòng 3 tháng qua. So với mức giao dịch vào tháng 6 năm nay, giá dầu hiện đã mất tới 25% giá trị. Như có một sức mạnh vô hình nào đó, cứ mỗi khi cố gắng nhúc nhắc tăng chút đỉnh, giá dầu lại bị nhấn chìm trở lại trước sự bất lực của cả các nhà cung cấp lẫn giới đầu tư. Phiên giao dịch cuối tuần cũng không thoát khỏi sự ảm đạm đó. Chưa kịp ăn mừng vì phiên tăng giá của ngày hôm trước, giá dầu lại quay đầu đi xuống mức 77,91 USD/thùng sau khi mất 77 cent, tương đương 1% trên mỗi thùng dầu và xác lập đáy của gần 3 năm nay.

Giá dầu thấp đang gây ảnh hưởng tới kinh tế Nga.



Sự bất thường của thị trường vàng đen đã trở thành câu chuyện thời sự được bàn tán khắp nơi. Những sàn giao dịch lạnh lẽo từ Bắc Mỹ tới Châu Á đến thời điểm này đã phá vỡ mọi quy luật từng được coi là bất biến mà dầu thô đã bị chi phối suốt thời gian qua. Những cuộc xung đột cày xới vùng đất Trung Đông vốn là "giếng dầu" thế giới, những biến cố chính trị được ví như đang định hình lại trật tự toàn cầu sau nhiều thập kỷ, một nền kinh tế chưa thể nói là đã bình phục sau "cơn đột quỵ" hồi năm 2008 nhưng chắc chắn không thể kém hơn một năm trước, vậy mà bỏ qua mọi nhân tố được xem là "thiên thời địa lợi", giá dầu vẫn tụt dốc không phanh. Cho tới giờ, khi việc tìm câu trả lời bằng những lý giải kinh tế đơn thuần chưa đem lại đáp án xác đáng, những hoài nghi về việc tồn tại một "nhân tố bí ẩn" đang "ghìm cương" thị trường dầu đã nhận được không ít sự ủng hộ.

Kể từ khi trở thành nguồn năng lượng hóa thạch chủ chốt của nhân loại cách đây 2 thế kỷ, dầu mỏ ngày càng được xem là thứ vũ khí nắm giữ sự thành bại của một nền kinh tế. Những cơn khát năng lượng dần dần gõ cửa từng quốc gia, từ những "ông lớn" mạnh nhất đến các "thiếu gia" đang trỗi dậy. Sự quan trọng của dầu mỏ khiến các cường quốc nhận thức rằng, ai nắm được nguồn nhiên liệu sống còn này, kẻ đó sẽ giành thế thượng phong trên bàn cờ quốc tế. Vậy là, không còn là những dòng nước đặc sánh vô tri vô giác, dầu thô được trao một thứ quyền lực mà không một loại hàng hóa nào có được. Nó là tên gọi của cuộc chiến tranh dầu mỏ năm 1973, là nguyên nhân của những chiến lược tranh giành ảnh hưởng, là lý do dẫn tới những cuộc xung đột cấp khu vực, là yếu tố giúp định hình hay phá vỡ các liên minh chính trị cũng như là mục tiêu sâu xa của những quan hệ ngoại giao thân thiện hay lạnh nhạt… Do đó, đứng trước sự điều chỉnh không theo quy luật tự nhiên của giá dầu, đã có nhiều ý kiến tin rằng thực tế này là tác phẩm của một kế hoạch có chủ đích nhằm đánh thẳng vào túi tiền của các đối thủ chính trị không cùng chung chí hướng như Nga, Iran hay Venezuela. Là những quốc gia mà nguồn thu nhập phụ thuộc rất lớn vào việc bán dầu thô, sẽ không có cách nào làm "rỗng ví" những nhà cung cấp năng lượng này tốt hơn là làm tụt giá dầu. Đơn cử như Nga, dầu mỏ và khí đốt chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này và đóng góp một nửa ngân sách chính phủ. Cũng cần nói thêm rằng, ngân sách của Nga được xây dựng trên cơ sở giá dầu ở mức 100 USD/thùng. Như thế để thấy là, việc giá nhiên liệu xuống thấp hơn ngưỡng này chứ chưa cần rớt giá "thê thảm" như hiện nay chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho Mátxcơva. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho rằng giá dầu thấp "đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga và đây là một phần hệ quả của sự thao túng mang động cơ chính trị". Cũng theo logic đó, cả Iran và Venezuela đều phải gánh chịu những thách thức tài chính rất lớn khi giá dầu bị sụt giảm mạnh.

Phải khẳng định rằng, là một loại hàng hóa có quyền năng đặc biệt, việc sử dụng những công cụ chính trị để giải thích cho tình trạng liên tục "dò đáy" của giá dầu là có sức thuyết phục nhất định. Do vậy, khi cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, giá dầu sẽ khó có cơ hội bứt phá. Giới đầu tư thế giới đã xác định tâm lý rằng dầu mỏ sẽ duy trì ở ngưỡng thấp trong thời gian tới khi "người anh cả" trong Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là Saudi Arabia không có ý định cắt giảm sản lượng và vẫn "bình chân như vại" trước đợt giảm giá hiếm thấy của dầu thô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá dầu thô xuống đáy: Có hay không sự thao túng thị trường?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.