Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch ngày 4-5, giữa bối cảnh ngày càng có thêm nhiều quốc gia tuyên bố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, trong khi nguồn cung dầu cũng thu hẹp hơn do các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới cắt giảm sản lượng và các công ty sản xuất dầu ngưng hoạt động.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn tăng 61 xu Mỹ (3,1%), lên 20,39 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 76 xu (2,9%), lên 27,20 USD/thùng.
Nhu cầu nhiên liệu trên toàn thế giới giảm khoảng 30% trong tháng 4-2020, chủ yếu do xu hướng đặt hàng tại nhà và tình trạng tiêu thụ yếu được dự kiến sẽ tiếp diễn trên thị trường dầu mỏ trong nhiều tháng tới, ngay cả khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới cắt giảm sản lượng kể từ ngày 1-5. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hành động nhanh chóng của các nước sản xuất dầu mỏ có thể giúp giảm tình trạng dư cung nhanh hơn.
Italia, Phần Lan và một số tiểu bang của Mỹ đã quyết định nới lỏng các lệnh phong tỏa vào ngày 4-5 để hồi sinh nền kinh tế, song nhiều quan chức cảnh báo về động thái vội vã này do lo ngại về một đợt bùng phát thứ hai.
Ngoài việc cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày từ đầu tháng này của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sản lượng dầu và khí đốt từ một số công ty dầu khí hàng đầu thế giới dự kiến sẽ giảm trong quý II-2020 xuống các mức thấp nhất trong ít nhất 17 năm. Đây được xem là một nhân tố quan trọng giúp đẩy giá dầu đi lên trong phiên này.
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán và ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs có trụ sở tại Mỹ cho biết, họ đang lạc quan hơn về sự gia tăng của giá dầu trong năm tới do sản lượng dầu thô thấp và nhu cầu dầu phục hồi một phần.
Trong khi đó, ngân hàng Phố Wall đã tăng dự báo giá dầu Brent chuẩn năm 2021 lên 55,63 USD/thùng, từ mức dự báo trước đó là 52,50 USD/thùng. Ngân hàng này cũng đã nâng dự báo giá dầu WTI từ 48,50 USD/thùng lên 51,38 USD/thùng.
Giới đầu tư cũng chú ý đến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc xử lý sự bùng phát dịch Covid-19. Ngày 3-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, ông đã thấy “bằng chứng rõ ràng” rằng vi rút SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng với Fox Business, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói, ông tin rằng Trung Quốc “đã phạm một sai lầm khủng khiếp và họ không muốn thừa nhận điều đó”. Nỗi lo về khả năng trả đũa từ Mỹ đối với việc xử lý dịch bệnh của Trung Quốc có thể góp phần làm tăng thêm lo ngại về nhu cầu dầu thô ngay tại thời điểm tồi tệ nhất này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.