(HNMO) - Chốt phiên giao dịch 12-4 trên thị trường Mỹ, giá dầu thế giới đã chạm mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 do căng thẳng địa chính trị Trung Đông tiếp tục leo thang, trong khi nguồn cung dầu thô lại sụt giảm.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5-2018 tăng 25 xu lên 67,07 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 3-12-2014. Giá dầu Brent giao tháng 6-2018 được giao dịch ở mức 72,02 USD/thùng, mức đỉnh 3 năm.
“Dường như cung cầu của thị trường đang bị chi phối mạnh mẽ bởi các yếu tố địa chính trị. Đây là yếu tố dẫn dắt đà tăng liên tục của giá dầu trong tuần vừa qua”, ông Tamas Varga, chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ tại VM Oil Associates nhận định.
Trong tuần qua, các nhà đầu tư trên thị trường đã theo dõi sát sao tình hình tại “chảo lửa” Syria sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ sớm tiến hành các biện pháp đáp trả cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Đông Ghouta, cảnh báo “các tên lửa mới và thông minh đang hướng tới Syria”.
Anh chỉ thị tàu ngầm vào vị trí sẵn sàng cho một cuộc tấn công. Trong khi đó, Nga điều thêm quân cảnh tới Đông Ghouta. Syria cũng tiến hành sơ tán hàng loạt sân bay và căn cứ quân sự chủ chốt do lo ngại bị Mỹ và phương Tây không kích. Tất cả những động thái này khiến giới đầu tư lo ngại nguy cơ bùng nổ xung đột tại Trung Đông, một trong những khu vực sản xuất dầu mỏ chủ chốt của thế giới.
Bên cạnh yếu tố địa chính trị, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cắt giảm sản lượng cũng đã đẩy giá dầu mỏ tăng mạnh. Theo báo cáo của của OPEC, trong tháng 2, dự trữ dầu thô tại các nước phát triển đã giảm 17,4 triệu thùng xuống còn 2,8 tỷ thùng, chấm dứt tình trạng dư thừa trong các kho dự trữ dầu mỏ toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.