Giá dầu cao đang trở thành mối đe dọa lớn với tăng trưởng ở châu Á, làm suy giảm cầu tiêu dùng, đình trệ xuất khẩu và gây ra nguy cơ tăng lạm phát.
Giá dầu là một vấn đề quan trọng ở châu Á, nơi có mức tổng cầu tiêu dùng hàng hóa đã vượt qua Bắc Mỹ vào năm 2007, chiếm 31% cầu hàng tiêu dùng của thế giới. Châu Á cũng là nơi có 4/10 quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới là Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Cả vùng châu Á phải nhập khẩu 2/3 lượng dầu tiêu thụ. Các nhà phân tích ở hãng Nomura ước tính, châu Á (trừ Nhật Bản) phải chi 447 tỉ USD nhập khẩu dầu và xăng trong năm 2011, so với mức 329 tỉ USD năm 2010 và 234 tỉ USD năm 2009.
Chi tiêu để mua dầu cũng chiếm phần lớn hơn trong GDP ở các nước châu Á so với phương tây.
Khi đánh giá ảnh hưởng của những cú sốc dầu, nguyên nhân là rất quan trọng. Nếu giá tăng cao vì tổng cầu trên toàn thế giới tăng và nhu cầu tăng trưởng, ảnh hưởng sẽ rất khác với việc một cú sốc từ nguồn cung.
Với việc nhiều tổ chức kinh tế lớn đã đánh giá lại mức tăng trưởng toàn cầu trong năm nay với cái nhìn kém lạc quan hơn, khó có thể cho rằng giá dầu tăng hiện giờ là do mức cầu tăng.
Thay vào đó, hầu hết các nhà phân tích cho rằng tình hình căng thẳng ở Trung Đông và những đe dọa cấm vận khắt khe hơn với Iran gần đây là nguyên nhân làm giá dầu tăng.
Hồi tháng 1, Quỹ Tiền tệ quốc tế đã cảnh báo nếu toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu của Iran ngưng trệ, giá dầu có thể tăng tới mức 30% so với hiện nay, tương đương 160 USD/thùng, cao hơn so với mức kỷ lục năm 2008.
Kịch bản đó đặc biệt đáng lo ngại với châu Á, có mặt 4 nhà nhập khẩu dầu lớn từ Iran là Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Tuy nhiên, ảnh hưởng sẽ không giống nhau với mọi nước. Malaysia chẳng hạn, là một nhà xuất khẩu dầu mỏ, thực ra sẽ được lợi. Ngược lại, các nhà phân tích ở ngân hàng Anh Barclays ước tính giá dầu tăng thêm 10% sẽ khiến chi phí nhập khẩu của Hàn Quốc tăng thêm 1 tỉ USD mỗi tháng.
Nhìn chung, các nhà phân tích đánh giá những nền kinh tế của Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan là dễ tổn thương nhất bởi giá dầu tăng cao. Singapore và Trung Quốc có thể ít bị ảnh hưởng hơn, trong khi những nhà xuất khẩu dầu như Malaysia và Việt Nam có thể được lợi.
Với Nhật Bản, giá dầu cao có thể là điều rất tồi tệ. Nước này là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 trên thế giới và sự phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu càng tăng sau sự cố ở các nhà máy điện hạt nhân Fukushima vì thảm họa thiên nhiên một năm trước.
Liên quan đến vấn đề lạm phát, tốc độ tăng giá dầu cho đến giờ ít đe dọa hơn nếu so với giai đoạn 2007-2008. Khi đó, giá dầu Brent đã từ mức thấp 50,25 USD một thùng vào đầu năm 2007 tăng lên đỉnh điểm 147,5 USD vào tháng 7-2008, mức tăng tới 193%. Còn năm nay, giá dầu Brent mới tăng 15%, dù trong một thời gian khá ngắn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.