(HNMO) –Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận định, thành phố cần phải xây dựng giá đất dự án nhà ở, công trình dịch vụ, dự án đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm 2011 phù hợp, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Bên cạnh đó, thành phố có những kiến nghị cụ thể với Chính phủ để có những chính sách phù hợp về khung giá đất ở các thành phố lớn.
Những thông tin trên đã được Chủ tịch nêu ra trong cuộc họp tập thể UBND TP sáng 11/11, nhằm thảo luận việc xây dựng giá các loại đất trên địa bàn thành phố năm 2011; Quy hoạch sử dụng đất 10 năm (2010-2020) và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) của TP Hà Nội để trình HĐND TP tại kỳ họp sắp tới.
Giá đất tối đa trong nội thành Hà Nội là 81 triệu đồng/m2
Về việc ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2011, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, TP Hà Nội hiện có diện tích tự nhiên là 334.662ha với trên 1.170 đường phố, trục đường giao thông chính tại các quận, huyện, thị xã và 404 xã. Trong đó có những khu vực có tốc độ đô thị hoá cao, cơ sở hạ tầng được nhà nước đầu tư đang từng bước hoàn thiện, nhiều khu đô thị mới, đường phố mới, khu công nghiệp ra đời đã tác động tới giá đất tại từng khu vực. Do đó cần có sự điều chỉnh, bổ sung giá đất tại khu vực này cho phù hợp với tình hình thực tế, nhằm điều tiết lợi nhuận tăng từ đất của các tổ chức, cá nhân thu được do việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng của Nhà nước mang lại.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ban, ngành của thành phố đã cùng đóng góp vào tờ trình về việc ban hành các loại giá đất năm 2011. Theo đó, các đại biểu đã thống nhất giữ nguyên giá đất nông nghiệp như năm 2010. Về giá đất ở, trên cơ sở cơ cấu, bố cục phân loại bảng giá đất năm 2010, điều chỉnh tăng cục bộ một số vị trí đường, phố nhưng đảm bảo không vượt quá tỷ lệ vượt mức khung giá Chính phủ quy định, sau khi điều chỉnh bảng giá đất ở tại các quận có giá tối thiểu là 2.340.000 đồng/m2 (đường 72 phường Dương Nội, quận Hà Đông), mức giá tối đa là 81.000.000 đồng/m2 (phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ - quận Hoàn Kiếm).
Về giá đất ở tại các thị trấn và các phường của thị xã Sơn Tây, các đại biểu đã đề nghị UBND Thành phố cho phép áp dụng khung giá đất của Chính phủ đối với các thị trấn được tính giảm dần từ các quận là đô thị đặc biệt đến các thị trấn xa trung tâm là đô thị loại V. Cụ thể: Các thị trấn của các huyện (trừ Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Đan phượng, Thường Tín) sẽ căn cứ vào khung giá đất ở đô thị loại V của Chính phủ để làm căn cứ điều chỉnh (6.700.000 đồng/m2 x 120% = 8.040.000 đồng/m2).
Tiếp theo đó là điều chỉnh giá đất tại các trục đường chính hướng tâm vào trung tâm Thành phố theo hướng giảm dần từ trung tâm Hà Nội trở ra. Bảng giá đất ở các thị trấn này sau khi điều chỉnh có giá tối thiểu là 750.000 đồng/m2, tối đa là 8.040.000đồng/m2; Thị trấn các huyện: Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức là các huyện giáp ranh, có mức độ phát triển kinh tế và đô thị hoá nhanh hơn, điều chỉnh theo hướng tiếp cận với các quận. Thị trấn các huyện Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh là khu vực tiếp nối giữa vùng giáp ranh với các huyện còn lại và có mức độ phát triển kinh tế, hạ tầng đồng bộ hơn, điều chỉnh tăng theo hướng tiếp cận với các huyên giáp ranh. Bảng giá đất ở các thị trấn này sau khi điều chỉnh có giá tối thiểu là 1.670.000đồng/m2, tối đa là 26.400.000đồng/m2. Bảng giá đất ở tại các phường của thị xã Sơn Tây sau khi điều chỉnh có giá tối thiểu là 1.513.000đồng/m2 tối đa là 15.600.000đồng/m2.
Mặt khác, các đại biểu cũng cho rằng, các huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì có vị trí giáp ranh với quận, có hạ tầng được đầu tư đồng bộ, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tăng, có mức độ phát triển kinh tế và đô thị hoá nhanh; Vì vậy để đảm bảo mặt bằng và tương quan giá giữa các huyện với quận cần phải điều chỉnh tăng theo tỉ lệ tương ứng với các quận. Bảng giá đất ở khu vực giáp ranh thuộc huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì sau khi điều chỉnh có giá tối thiểu là 2.035.000đồng/m2 tối đa là 31.200.000đồng/m2.
Có thể thấy tổng thế sau điều chỉnh, giá đất ở tại khu vực thuộc các quận, huyện giáp ranh quận, sẽ có biến động tăng, các thị trấn và ven trục đầu mối giao thông chính của các huyện, thị xã sẽ có mức biến động tăng nhỏ hơn. Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của các quận và các huyện hầu hết có biến động tăng, có tuyến đường phố, khu dân cư vẫn giữ nguyên, cá biệt có vị trí giảm nhưng không đáng kể. Giá đất khu vực nông thôn các huyện xa trung tâm TP có biến động nhỏ, có những xã sẽ không có biến động về giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và giá đất nông nghiệp.
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 phải phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc thực hiện quy hoạch; kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001-2010 về cơ bản phù hợp với quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Sau 10 năm thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được phát triển theo hướng đồng bộ; nhiều khu đô thị, khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp vừa và nhỏ, cụm công nghiệp làng nghề được xây dựng và mở rộng; một số vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp như: hoa cây cảnh, cây ăn quả, rau an toàn, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư….được hình thành và phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao. Kết quả trên đã ảnh hưởng tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới, làm tăng tổng sản phẩm nội địa, tạo nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động.
Về tờ trình quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, sau khi thảo luận, đại diện các sở ban ngành đã thống nhất nội dung quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 bao gồm: Đất nông nghiệp đến năm 2020 là sử dụng 151.780 ha, chiếm 45,59% diện tích tự nhiên, giảm 36.821 ha so với năm 2010; Đất phi nông nghiệp sử dụng là 178.929 ha, chiếm 53,75% diện tích tự nhiên, giảm 43.928 ha so với năm 2010; đất đô thị là 66.875 ha; đất khu bảo tồn thiên nhiên 9.454 ha; đất khu du lịch 19.054 ha; đất chưa sử dụng đến năm 2020 còn 2.179 ha chiếm 0,65% diện tích tự nhiên, giảm 7.161 ha so với năm 2010. Về diện tích chuyển mục đích sử dụng đất, trong thời kỳ quy hoạch, thành phố chuyển mục đích sử dụng 42.295 ha, trong đó giai đoạn 2011-2015 chuyển 14.729 ha, giai đoạn 2016-2020 chuyển 27.565 ha.
Bên cạnh đó, về nội dung kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) bao gồm: Đất nông nghiệp đến năm 2015 là 176.998 ha; Đất phi nông nghiệp là 151.088 ha; Đất chưa sử dụng đến năm 2015 còn 4.801 ha và cả kỳ kế hoạch 5 năm (2011-2015) tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng đất là 14.729 ha.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo về cơ bản thống nhất với nội dung đã được đề cập trong Tờ trình phương án xây dựng giá các loại đất trên địa bàn thành phố năm 2011 như việc kế thừa phương pháp, bố cục phân loại bảng giá đất theo quy định của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và UBND TP, để từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung giá đất ở các tuyến đường phố mới, vị trí giáp ranh với các vùng đô thị, nút giao thông, đất xây dựng các dự án... từng bước tiếp cận giá thị trường.
Liên quan đến Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2010-2015), Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các đơn vị liên quan phải đánh giá cụ thể kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất 10 năm vừa qua; Đặc biệt lưu ý đến những mặt chưa được để từ đó làm tốt hơn việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Quy hoạch này phải phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, quy hoạch chung Thủ đô; phù hợp với các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia phân bổ cho thành phố.
Bên cạnh đó, Chủ tịch cũng nhấn mạnh, quy hoạch này cũng đảm bảo sử dụng đất hợp lý, đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả. Ưu tiên bố trí quỹ đất cho kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân như quỹ đất dành xây dựng các công trình giáo dục, y tế... Hơn nữa, quy hoạch cũng phải duy trì hợp lý quy mô đất lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, đất di tích-danh lam-thắng cảnh, bảo vệ cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học và phát triển bền vững... ; Nội dung quy hoạch phải có định lượng, cơ cấu phân kỳ rõ ràng, phù hợp để thực hiện có hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.