(HNMO)- Sáng 10/12, trong ngày làm việc cuối cùng, HĐND TP đã thống nhất thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó 85,7% đại biểu đồng tình với Nghị quyết về giá các loại đất áp dụng trên địa bàn TP Hà Nội từ ngày 1/1/2011.
Giá đất tại các phố Hàng Ngang, Hàng Đào ở mức tối đa vẫn là 81 triệu đồng/m2 |
Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh trình bày tờ trình về khung giá đất năm 2011. Theo đó, giá đất nông nghiệp tại các địa phương được theo giá đã ban hành năm 2010. Cụ thể: Giá đất nông nghiệp trồng lúa nước, trồng cây hàng năm và trồng cây lâu năm có giá tối thiểu là 54.400 đồng/m2, giá tối đa là 252.000 đồng/m2;
Giá đất nông nghiệp nuôi trồng thuỷ sản có giá tối thiểu là 36.000 đồng/m2, giá tối đa là 201.600 đồng/m2; Giá đất rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất có giá tối thiểu là 30.000đồng/m2, giá tối đa là 60.000đồng/m2
Về giá đất ở tại các quận, năm 2011 giá đất tại một số đường, phố sẽ cao hơn năm 2010, một số đường phố sẽ được giữ nguyên, không điều chỉnh, nhưng vẫn nằm trong mức giá tối thiểu là 2.340.000 đồng/m2 (đường 72 qua phường Dương Nội, quận Hà Đông), giá tối đa vẫn là 81.000.000 đồng/m2 (phố Hàng Ngang, Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm)
Giá đất ở tại thị trấn và Thị xã Sơn Tây tối thiểu là 750 nghìn đồng/1m2, tối đa là 26 triêu đồng/1m2.
Giá đất tại các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm giáp danh với các quận và khu đô thị mức tối thiểu là 2 triệu 035 nghìn đồng/1m2, tối đa là 31 triệu đồng/1m2.
Giá đất tại đầu mối giao thông có mức tối thiểu là 433 nghìn đồng/1m2, tối đa đa 11 triệu 250 nghìn đồng/1m2.
Giá đất ở khu dân cư nông thôn có mức tối thiểu là 250 nghìn đồng/1m2, tối đa 2 triệu 200 nghìn đồng/1m2.
Giải thích nguyên nhân khung giá trên cách xa so với giá thực tế đang biến động phức tạp hiện nay, Phó Chủ tịch UBDN TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, bảng giá đất mà thành phố ban hành phải bảo đảm trong khung giá mà Chính phủ quy định. Do đó một số khu vực vị trí giá đất thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.
Ngay trong khiếu nại của một số người dân, đặc biệt những nơi thực hiện dự án lớn, hầu hết đều kiến nghị UBND TP phải đền bù GPMB theo đúng giá thị trường, nếu không thì cũng phải sát giá thị trường. Nhưng trong quy định của Chính phủ đặt ra một yêu cầu là phải tuân thủ khung giá đất. Mà khung giá của Chính phủ cho phép UBND các tỉnh thành được điều chỉnh tăng giảm nhưng không quá 20%, vì vậy không thể tăng nữa.”
Cũng trong sáng cùng ngày, các đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số quy định thu phí, lệ phí áp dụng trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, bãi bỏ thu phí đối với 4 cầu nhỏ huyện Chương Mỹ: cầu Zét, Mụ, Hạ Dục và Bến Cốc.
Phó Chủ tịch HĐND Lê Quang Nhuệ đã đề nghị rà soát lại những địa phương khác có thể có những cầu khỉ. Vì nguồn thu này không đáng kể, trong khi tiếp tục thu thì gây bức xúc cho bà con. Do đó, phải chủ động không chờ bức xúc mới giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.