(HNM) - Trong khi dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp thì gia cầm nhập lậu vẫn được bày bán tràn lan ở TP Hồ Chí Minh, khiến nguy cơ bùng phát bệnh càng cao.
Hỏi mua, bao nhiêu cũng có
Chỉ thị của UBND TP Hồ Chí Minh và các cấp, ngành của thành phố về tăng cường các biện pháp chống dịch cúm gia cầm luôn nhấn mạnh việc kiểm soát bày bán gia cầm sống chưa qua kiểm dịch. Tuy nhiên, trên thực tế, những ngày này gia cầm sống vẫn được bày bán dù không công khai như trước. Tại "điểm nóng" kinh doanh gia cầm sống tại khu vực chợ Cầu (giáp ranh quận Gò Vấp và quận 12) trước đây, nếu gia cầm sống bày bán tràn lan cả trên cầu thì hiện những người bán "rút" vào bán trong chợ hoặc các nhà ven cầu, dưới gầm cầu. Khi chúng tôi hỏi mua, người bán bảo chỉ cần chờ đợi vài phút thì bao nhiêu cũng có. Khi chúng tôi tỏ vẻ ngần ngại sợ gà bị bệnh cúm thì được trấn an là "an tâm, gà được vận chuyển từ Đồng Nai, Long An về" và "lựa kỹ lắm, bảo đảm không có bệnh đâu!".
Vận chuyển gia cầm trái phép từ Long An về TP Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Bình Chánh. |
Ở một số "điểm nóng" khác, việc bày bán có vẻ giảm nhưng đa phần do người bán "cảnh giác" và "kín đáo" hơn, chứ khách hàng hỏi mua thì vẫn có. Khu vực cầu Tham Lương (giáp ranh giữa quận Tân Bình và quận 12) không còn tình trạng các xe chở gà bày bán tràn lan trên cầu. Trên đường Phạm Hùng (giáp ranh với quận 8 và Bình Chánh) dù đã giảm nhưng vẫn còn vài lồng sắt nhốt gà bày bán hai bên đường…
Theo báo cáo của Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, vào thời điểm sau Tết, tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép gia tăng và tại 11 quận, huyện của thành phố còn tồn tại 36 điểm kinh doanh trái phép. Và đến thời điểm hiện tại, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, con số này đã tăng lên 45 điểm, nhiều nhất là ở các quận, huyện vùng ven như quận 12, Gò Vấp, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.
Trong chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm chỉ rõ, nguyên nhân còn việc kinh doanh gia cầm sống trái phép là một số địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, chưa kiên quyết xử lý; bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn thờ ơ, không cảnh giác trước thông tin dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát và gây tử vong cho người.
Lực lượng chức năng khó kiểm soát
Nhằm tăng cường kiểm soát dịch cúm trên địa bàn, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo nhiều biện pháp kiểm soát gia cầm. Theo đó, các quận, huyện phải tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm trên địa bàn; tập trung chốt chặn tại các điểm nóng kinh doanh gia cầm sống trái phép; phối hợp xử lý triệt để việc kinh doanh gia cầm sống, giết mổ gia cầm trái phép đối với các địa bàn giáp ranh; kiên quyết xử lý, tịch thu, tiêu hủy đối với các trường hợp vi phạm nuôi gà đá trong khu vực dân cư, chăn nuôi thủy cầm trái phép. Đặc biệt, chỉ thị cũng nêu rõ, chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu còn để tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép, hoặc xảy ra trường hợp có người bị nhiễm bệnh từ gia cầm trên địa bàn.
Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Bình Chánh cho biết, trong những ngày qua đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tăng cường mật độ đi kiểm tra. Chỉ trong đêm 15-2, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã xử lý 9 vụ tồn trữ, kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép, tạm giữ 273 con gà vịt không rõ nguồn gốc. Theo ông Nguyên, hiện việc kiểm tra, xử lý các điểm kinh doanh gia cầm sống, giết mổ gia cầm trái phép khó khăn hơn vì người buôn bán kinh doanh "cảnh giác", đối phó tinh vi hơn. Cách đối phó thường thấy nhất là giấu gà đi chỉ để vài con bên ngoài nên khó phát hiện hoặc có bị bắt thì rất ít và sau khi lực lượng kiểm tra đi thì người bán lại… bán tiếp! Bên cạnh đó, theo ông Khương Trần Phúc Nguyên việc kiểm tra, xử lý vi phạm cực kỳ khó khăn khi những người vi phạm luôn bất hợp tác và chống đối quyết liệt như đóng cửa không cho đoàn vào kiểm tra, đe dọa xúc phạm, tẩu tán hàng, không ký biên bản vi phạm hành chính… Còn đối với việc chốt chặn để bắt các xe vận chuyển gia cầm lậu thì càng khó khăn bởi những người vận chuyển này luôn có người canh đường, canh lực lượng kiểm tra và thường di chuyển lúc rạng sáng, không đi vào giờ hành chính. Khi có mặt lực lượng chức năng, những người vận chuyển gia cầm lậu rất liều lĩnh cho xe máy lạng lách và chạy nhanh để… thoát.
Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên, với những khó khăn trên thì việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn khó khăn do một số người dân vẫn còn thờ ơ với dịch bệnh. Ông Nguyên khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa sản phẩm có nguồn gốc, có bao bì, không được chủ quan khi chọn mua gia cầm vì bệnh cúm không biểu hiện ra bên ngoài nên không thể nhận biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.