Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá cả tăng đột biến

Quỳnh Dung| 19/01/2010 06:51

(HNM) - Còn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng giá thực phẩm ở Hà Nội tăng từng ngày và nguy cơ còn leo thang mạnh hơn trong những ngày tiếp theo. Nguyên nhân chủ yếu là do giá đầu vào tăng mạnh, cộng với tâm lý của người chăn nuôi và thương lái gom hàng để chờ Tết bán được giá cao hơn.


Thịt gia súc, gia cầm tăng từ 5.000-15.000 đồng/kg

Thực phẩm đang tăng giá từng ngày.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, nhu cầu tiêu dùng các loại thịt của người dân trong dịp Tết thường tăng 20% so với ngày thường, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Tại Hà Nội, dự báo Tết này có nhu cầu tiêu dùng 12.000 tấn thịt lợn, 3.000 tấn trâu, bò, 6.000 tấn gia cầm. Trong khi đó, Hà Nội chỉ tự bảo đảm được khoảng 40-50%, còn lại do các tỉnh lân cận chuyển đến. Tại các chợ ở Hà Nội, giá thực phẩm đang tăng khá mạnh. Giá gà ta đã ở mức 75.000 đồng/kg (tăng thêm 10.000 đồng), dự báo đến Tết có thể tăng lên 90.000 đồng/kg. Giá thịt lợn hơi tăng 7.000 đồng/kg; thịt bò thăn, ngan hơi đều tăng thêm 10.000 đồng/kg…

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và thương lái ghim hàng


Chị Nguyễn Thị Vui, một tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Phùng Khoang (quận Thanh Xuân) cho biết, sở dĩ giá các mặt hàng thực phẩm tăng là do giá gạo, giá cám trong thời gian qua tăng cao. Ông Nguyễn Văn Minh cho rằng, việc giá một số mặt hàng thực phẩm tăng trong thời gian qua một phần là do chi phí đầu vào tăng, trong đó nguyên nhân sâu xa là do thức ăn chăn nuôi tăng giá liên tục. Tháng giáp Tết cũng là thời điểm các trang trại, thương lái găm hàng chờ Tết nên thực phẩm có khan hiếm hơn càng đẩy giá cao hơn. Đặc biệt, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 216 - từ ngày 1-1-2010, điều chỉnh thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo mức mới, trong đó tăng khá mạnh ở nhiều nhóm thiết yếu. Chẳng hạn, ngô từ 0% lên 5%; bột cá, bột xương thịt 0% lên 5%; cám mì 0% lên 5%, bột mì 10% lên 15%; dầu cá 5% lên 7%... Việc tăng thuế nhập khẩu đã kéo giá bán thức ăn chăn nuôi trong nước tăng lên vì hiện tại đến 70% nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phải nhập từ nước ngoài. Anh Ngô Văn Mạnh chủ một trang trại lợn ở Thanh Oai cho biết, chi phí đầu vào tăng cao cùng với giá thức ăn chăn nuôi liên tục leo thang buộc người nuôi phải tăng giá thực phẩm. Nếu như năm 2008, giá sắn là 2.000 đồng/kg thì năm 2009 đã lên đến 4.000 đồng/kg, đậu nành từ 8.200 đồng/kg lên 11.000 đồng/kg, bột cá 11.500 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg và xu hướng sẽ còn tiếp tục tăng. Còn ông Minh thì cho rằng, giá thịt tăng vào thời điểm này còn do tâm lý thị trường. Thực tế cho thấy nhu cầu sử dụng gà ta và gà thả vườn để cúng trong dịp Tết Nguyên đán thường tập trung vào các ngày 23 và 30 tháng Chạp và mùng 1-3 Tết. Vì vậy đến thời điểm này, giá gà tăng cao cũng dễ hiểu.

Sẽ không khan hiếm hàng

Theo Bộ NN&PTNT, mặt bằng giá thực phẩm Tết năm nay sẽ tăng cao hơn so với năm trước nhưng không khan hiếm hàng. Năm 2009, sản lượng chăn nuôi tăng 13% so với năm 2008. Tổng đàn cả nước có khoảng 280 triệu con, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tổng đàn lợn tăng 4% và bò thịt tăng 12%, gia cầm tăng gần 13%. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, xu hướng tất yếu là giá thực phẩm từ nay đến Tết còn tăng nhưng không tăng đột biến, không có chuyện khan hiếm hàng thực phẩm và tình trạng cung không đủ cầu sẽ không còn gay gắt như những năm trước bởi số lượng nuôi trong dân còn đang tăng mạnh. Bên cạnh đó, nguồn hàng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán cũng đang được các doanh nghiệp dự trữ, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch nhập khẩu thực phẩm có chất lượng từ nước ngoài. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng sốt giá các mặt hàng này trong dịp Tết, thì Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá. Các chủ trang trại và thương lái cũng không nên gom quá nhiều hàng, để tránh tình trạng ai cũng dồn hàng đến Tết, dẫn đến sự thay đổi của giá thị trường và người chịu thiệt thòi nhất vẫn là nông dân.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá cả tăng đột biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.