(HNM) - Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (SXKD) nước sạch của Hà Nội đang phải đối mặt với một thực tế thua lỗ bởi giá bán nước hiện đã trở nên lỗi thời trong khi các loại chi phí tiền lương, tiền điện, vật tư hóa chất, phí tài nguyên môi trường… đều đã tăng gấp nhiều lần.
Sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước Yên Phụ. Ảnh: Bùi Tường |
Giá hiện hành không đủ bù đắp chi phí sản xuất
Ông Nguyễn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết: So với thời điểm xây dựng đơn giá trước, hiện tiền lương đã tăng khoảng 1,6 lần; tiền điện tăng thêm khoảng 33% (giá điện áp dụng trong phương án giá nước hiện nay là giá của năm 2009); chi phí thuế tài nguyên tăng gấp 6 lần. Ngoài ra, trong giai đoạn năm 2010-2012, do biến động kinh tế vĩ mô, tình hình lạm phát cao nên giá tất cả vật tư đầu vào như hóa chất, chi phí sửa chữa bảo dưỡng, lắp đặt đấu nối, thay thế đồng hồ cho khách hàng tăng rất nhiều so với mặt bằng giá của giai đoạn năm 2008-2009, dẫn đến chi phí sản xuất của công ty cũng bị đội lên nhiều lần. Cụ thể: chi phí hóa chất tăng thêm khoảng 30%; tiền thay thế đồng hồ tăng 216%; chi phí lắp đặt, đấu nối vào nhà cho khách hàng thực tế hiện nay là 2,6 triệu đồng/trường hợp, tăng 1,1 triệu đồng (bằng 173,33%) so với phương án giá… Các yếu tố đầu vào kể trên đã làm cho giá thành sản xuất của công ty năm 2012 dự kiến tăng hơn 45%. Thống kê cho thấy, hoạt động SXKD của công ty trong năm 2011 lỗ khoảng 34 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm lỗ trên 45 tỷ đồng và tình hình thua lỗ sẽ còn tăng thêm trong các năm tiếp theo khi giá nước chưa được điều chỉnh.
Cũng băn khoăn trước việc chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá nước hiện không còn phù hợp, ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Đông khẳng định: Các doanh nghiệp cấp nước của Hà Nội đang rất khó khăn. Các chi phí đầu vào đều tăng nhưng ngay cả với 16m3 nước sử dụng đầu tiên, theo quy định hiện hành thì mức giá bán cũng chỉ được tính bằng 80% giá thành sản xuất. Mà số hộ sử dụng ở mức dưới 16m3 này lại chiếm tới gần 70% lượng khách hàng trên toàn TP. Năm 2011 chúng tôi còn có thể cân đối được nhưng bước sang năm 2012, công ty đã phải cắt giảm lương bình quân CBCNV từ 4,5 triệu đồng/người/tháng xuống còn 3,8 triệu đồng/người/tháng và tiết giảm một số khoản chi phí không cần thiết khác để bảo đảm cấp nước ổn định cho 72.000 khách hàng thuộc địa bàn công ty quản lý.
Theo Sở Xây dựng, giá nước hiện hành không đủ bù đắp cho chi phí sản xuất. Nếu so sánh với các địa phương khác, Hà Nội đang là thấp nhất. Ví dụ như tại Hải Phòng áp dụng mức giá 6.500 đồng/m3 đối với 10m3 sử dụng đầu tiên, 10.000 đồng/m3 đối với cơ quan hành chính, sự nghiệp và 13.500 đồng/m3 đối với kinh doanh dịch vụ; TP Hồ Chí Minh tương tự là 4.800 đồng/m3, 9.300 đồng/m3 và 15.200 đồng/m3; Hải Dương tương tự là 6.200 đồng/m3, 11.700 đồng/m3 và 13.900 đồng/m3; Hưng Yên tương tự là 6.800 đồng/m3, 11.800 đồng/m3 và 14.500 đồng/m3… Do vậy, tăng giá nước là một yêu cầu cấp thiết.
Tăng giá nước cần phải được tính toán kỹ để không ảnh hưởng đến đời sống người dân. |
Giá nước hiện nay của Hà Nội được xây dựng từ cuối năm 2009 và chính thức áp dụng từ ngày 1-1-2010 với mức 4.000 đồng/m3 cho 16m3 đầu tiên; 4.700 đồng/m3 cho từ trên 16m3 đến 20m3; 5.700 đồng/m3 cho từ trên 20m3 đến 35m3 và 9.400 đồng/m3 cho từ trên 35m3. Các đơn vị hành chính, sự nghiệp áp dụng mức giá 5.700 đồng/m3. Các đơn vị sản xuất chịu mức giá 7.000 đồng/m3 và nước sử dụng cho mục đích kinh doanh dịch vụ là 12.000 đồng/m3. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.