Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ghi xuất xứ hàng hóa phải trung thực, chính xác

Bảo Nga - Thu Hằng| 31/10/2017 06:56

(HNM) - Mấy ngày gần đây, dư luận rất quan tâm tới thông tin khăn lụa của thương hiệu Khaisilk có sản phẩm vừa gắn mác Việt Nam, vừa gắn mác Trung Quốc.

Nhân viên hải quan kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhập khẩu.


Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty TNHH Luật Tam Anh):
Pháp luật cấm gắn nhãn mác hàng hóa với 2 nguồn gốc xuất xứ khác nhau


Nghị định 43/2017/NĐ-CP về Nhãn hàng hóa có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 (thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP) quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa quy định tại Khoản 1, Điều 9: “Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa”. Một sản phẩm có thể có nhiều nhãn mác khác nhau, mỗi loại nhãn mác sẽ thỏa mãn các yêu cầu nhất định của luật (ví dụ nhãn gốc, nhãn phụ). Việc yêu cầu dán nhãn mác ngoài việc bảo đảm chức năng quản lý nhà nước, còn phải cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Trường hợp hàng hóa, sản phẩm có hai nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ khác nhau thì chỉ có một nguồn gốc thể hiện đúng bản chất. Còn theo Khoản 1, Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm tính trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết”. Như vậy, việc gắn nhãn mác hàng hóa với 2 nguồn gốc xuất xứ khác nhau không được pháp luật cho phép.

Ông Bùi Văn Hoa (phường La Khê, Hà Đông):
Phải có chế tài mạnh để triệt tiêu hành vi gian dối


Vẫn biết trên thực tế, còn nhiều doanh nghiệp, cửa hàng có hành vi lừa dối người tiêu dùng, sử dụng hàng hóa có xuất xứ không đúng thông tin về sản phẩm, gây bức xúc cho người dân. Song một thương hiệu lớn như Khaisilk thất tín với khách hàng là điều rất khó chấp nhận. Hệ thống pháp luật Việt Nam có đủ quy định về vấn đề ghi xuất xứ hàng hóa, nhưng chưa thật sự phát huy được hiệu quả trong cuộc sống. Do vậy, đề nghị cơ quan chức năng phải rà soát, tìm kẽ hở đang tồn tại ở đâu để có chế tài mạnh và giải pháp triệt tiêu những hành vi gian dối. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể quản lý, phụ trách địa bàn khi để xảy ra những vụ việc tiêu cực này.

Chị Trương Thị Thanh Mai (phường Phương Liên, Đống Đa):
Người tiêu dùng quyết định sự sống - còn của sản phẩm


Là giáo viên ngoại ngữ, tôi thường tìm hiểu những sản phẩm, quà tặng độc đáo của Việt Nam để tặng và giới thiệu cho bạn bè người nước ngoài, trong đó sản phẩm tơ, lụa là một trong những đặc sản quà Việt tôi hay tặng bạn. Bên cạnh sự thể hiện tình cảm, món quà đó còn là niềm tự hào về những sản vật truyền thống của đất nước. Vì thế, khi một số sản phẩm truyền thống của dân tộc bị phát hiện có xuất xứ từ nước khác gây sự thất vọng lớn trong cộng đồng. Ở đây, cái mất lớn hơn cả tiền bạc là mất lòng tin vào một thương hiệu vốn rất nổi tiếng. Hàng loạt vụ việc bán hàng giả, hàng nhái... được chính người tiêu dùng phát hiện, phanh phui thời gian qua đã khẳng định, người tiêu dùng là người quyết định sự tồn tại, phát triển hay thất bại của bất cứ sản phẩm, thương hiệu nào. Do đó, nếu các cơ sở sản xuất, kinh doanh... xâm hại quyền lợi người tiêu dùng là tự hủy diệt mình.

Bà Lê Thanh Hoa (phường Ngọc Lâm, Long Biên):
Cơ quan chức năng phải tăng cường quản lý

Vụ việc xảy ra tại Khaisilk thực sự là “cú sốc” lớn đối với người tiêu dùng. Bởi đây là thương hiệu lớn, nổi tiếng từ nhiều năm nay, như một địa chỉ uy tín, cung cấp hàng Việt Nam chất lượng cao cho cả thị trường trong và ngoài nước. Câu hỏi lớn mà nhiều người tiêu dùng đặt ra là: Bao năm nay, các cơ quan quản lý nhà nước như: Công Thương, Hải quan, Thuế, lực lượng Quản lý thị trường... ở đâu khi để một thương hiệu lớn như Khaisilk mặc sức “tung hoành”, bán sản phẩm không đúng nguồn gốc xuất xứ? Một doanh nghiệp lớn với hệ thống cửa hàng ở khắp nơi nhưng vì sao không một cơ quan quản lý nào phát hiện hành vi vi phạm của họ? Trên thực tế, lâu nay người tiêu dùng đã mất niềm tin vào những tiêu chí chất lượng mà các doanh nghiệp sản xuất tự công bố. Chính vì vậy, việc giám sát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa, chất lượng sản phẩm... của cơ quan quản lý được xem là thước đo cuối cùng để người tiêu dùng “bấu víu” khi chọn mua sản phẩm. Song, thực tế nêu trên đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Vụ việc Khaisilk là bài học đắt giá cho những doanh nghiệp coi thường chữ “tín” và cho thấy quyền lực của người tiêu dùng ngày càng được khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi xuất xứ hàng hóa phải trung thực, chính xác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.