Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ghi nhận ngày đầu Hà Nội thực hiện phòng, chống dịch theo 3 vùng

Nhóm phóng viên| 06/09/2021 18:09

(HNMO) - Ghi nhận của phóng viên trong ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 20/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, các địa phương đồng loạt ra quân tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm chỉ đạo mới. Bên cạnh đó, các chốt trực yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện việc cấp giấy đi đường theo mẫu mới; tă

ng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.

Tại chốt trực đầu cầu Vĩnh Tuy (phía đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng).

Hướng dẫn, nhắc nhở thực hiện quy định

Ghi nhận trên một số tuyến phố chính như: Kim Mã, Bà Triệu, Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy… vào đầu giờ sáng, số người ra đường đông hơn bình thường. Qua kiểm soát, số lượng giấy đi đường do doanh nghiệp tư nhân cấp chiếm tỷ lệ khá cao. Thiếu tá Tạ Ngọc Khánh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đa số giấy đi đường qua kiểm soát đều xuất phát từ các doanh nghiệp tư nhân. Trong ngày 6-9 và 7-9, lực lượng chức năng chưa xử phạt và tích cực tuyên truyền để các đơn vị này khẩn trương hoàn tất thủ tục thay giấy đi đường mới đang được Công an thành phố Hà Nội triển khai.

Chốt trực kiểm tra phòng dịch tại quận Long Biên.

Theo Thiếu tá Nguyễn Đăng Tiến, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông tuần tra, dẫn đoàn, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), qua kiểm soát khu vực giáp ranh huyện Gia Lâm với xã Văn Giang (Hưng Yên), xuất hiện tình trạng thiếu ý thức của một số người dân. Đó là tình trạng một số người lợi dụng làm việc trong cơ quan nhà nước để chở người đi tiêm từ tỉnh ngoài vào Hà Nội. Mặc dù đã được giải thích nhưng nhiều người vẫn tỏ thái độ khiếm nhã với tổ công tác, thậm chí còn viết đơn kiện tổ công tác.

Tại chốt trực quận Long Biên, theo Thiếu tá Đỗ Từ Thiện, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1, Tổ trưởng tổ công tác phòng, chống Covid-19 trực tại quận, trong sáng 6-9, lực lượng đã kiểm soát hơn 3.500 phương tiện với 5.000 lượt người qua chốt. “Qua kiểm soát, đa số đều có giấy đi đường và phần nhiều đều do doanh nghiệp tư nhân cấp, phát. Hiện tại, tổ công tác vẫn tạo điều kiện để lưu thông và yêu cầu đơn vị hoàn thiện các mẫu giấy đi đường mới”, Thiếu tá Thiện nói.

Chị Nguyễn Thị Thanh, phường Bồ Đề (quận Long Biên) cho biết, việc siết chặt cấp giấy đi đường để phân loại nhóm đối tượng được ra đường là đúng đắn để kiểm soát được lượng người ra đường còn đông như hiện tại. 

Ảnh trực chốt tại đầu cầu Vĩnh Tuy (phía đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng).

Ghi nhận tại chốt kiểm soát tại đầu cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), cán bộ chốt trực tổ chức phân luồng giao thông và kiểm tra giấy đi đường, kiểm soát y tế đối với người tham gia giao thông rất nghiêm túc. Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 4 (Công an thành phố Hà Nội), Tổ trưởng chốt cho biết, xác định đây là “vùng đỏ” có mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, nên tổ công tác kiểm tra, kiểm soát chặt giấy đi đường đối với 100% người tham gia giao thông. 

Bảo đảm tuyệt đối an toàn “vùng xanh”

Sáng 6-9, UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) đồng loạt ra quân tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm Chỉ thị mới của thành phố, tuân thủ quy định giãn cách mới. Phường cũng duy trì 2 chốt cố định xử lý vi phạm, 3 tổ cơ động, 7 chốt trực phòng, chống dịch và 43 chốt “vùng xanh”.

Theo Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa Hoàng Hoài Loan, tại các chốt phòng, chống dịch, lực lượng chức năng phường duy trì công tác kiểm tra việc chấp hành quy định giãn cách với người tham gia giao thông. Trụ sở UBND phường là Sở Chỉ huy trực 24/24/7 theo chỉ đạo của thành phố.

Chốt kiểm tra phòng dịch tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa).

UBND huyện Sóc Sơn cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động phải đóng cửa trước 20h hằng ngày. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, tinh thần chung huyện đưa ra là hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân. Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện, xã, thị trấn được yêu cầu bố trí ứng trực 24/24/7 để tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và vướng mắc trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch.

“Từ nay cho đến ngày 21-9, huyện sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn “vùng xanh”, ngăn chặn tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra vùng công nghiệp. Đồng thời, huyện nỗ lực bảo đảm mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh trật tự, an sinh xã hội trên địa bàn”, ông Hồ Việt Hùng cho biết thêm.

Từ 20h ngày 6-9 đến 21-9, người dân huyện Sóc Sơn không được ra đường nếu không có lý do chính đáng.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, từ ngày 4-9, UBND huyện đã thành lập thêm 3 chốt kiểm soát. Khi có người qua chốt, lực lượng chức năng sẽ đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch và tiến hành xét nghiệm nhanh Covid-19 với những trường hợp nghi ngờ; kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người từ các tỉnh, thành phố khác, quận, huyện khác ra vào địa bàn huyện.

Xác định phân vùng là để phòng, chống dịch, không phải để quản lý hành chính, huyện Thạch Thất yêu cầu các xã, thị trấn phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh an toàn đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức hoạt động phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể.

Chốt kiểm soát dịch tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, từ 6-9, thực hiện nhiệm vụ mới, huyện yêu cầu các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn; hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy đi đường cho các đối tượng, kiểm soát phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn bảo đảm chặt chẽ theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, còn lại “ai ở đâu, ở đó”, người ở vùng nào thì ở vùng đó.

Trường hợp vi phạm, huyện chỉ đạo lực lượng công an kiên quyết xử lý. Các cơ quan chức năng huyện Thạch Thất vẫn duy trì 175 chốt cố định, 38 chốt lưu động ở 23 xã, thị trấn để bảo vệ các “vùng xanh”, quản lý chặt chẽ người dân ra vào huyện.

Chốt kiểm soát xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất yêu cầu người dân ra vào xã phải khai báo y tế.

Để bảo đảm tuyệt đối an toàn “vùng xanh”, UBND huyện Quốc Oai đã triển khai phương án bảo vệ từ 6h ngày 6-9 cho đến khi có chỉ đạo mới. Cụ thể, các chốt có nhiệm vụ: Kiểm soát chặt chẽ tất cả người và phương tiện được vào, ra vùng 2, vùng 1; yêu cầu quét mã QR theo quy định; bảo đảm an ninh, trật tự; hướng dẫn, phân luồng giao thông.

UBND huyện giao UBND xã, thị trấn thành lập tại mỗi thôn, tổ dân phố, khu dân cư ít nhất 1 tổ tự quản để tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Huyện cũng duy trì 3 tổ tuần tra của Công an huyện và tổ tuần tra các xã, thị trấn để kiểm soát và xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ghi nhận ngày đầu Hà Nội thực hiện phòng, chống dịch theo 3 vùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.