Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gạt bỏ những bất đồng

Nguyễn Thúc| 01/06/2017 06:14

(HNM) - Năm 1717, chuyến thăm của Sa hoàng Peter Đại đế tới Pháp đã mở ra một chương mới trong mối quan hệ giữa hai cường quốc Châu Âu. Sau tròn ba thế kỷ, sự chú ý của thế giới lại đổ dồn về Điện Versailles.

Chuyến thăm được xem là cơ hội cải thiện quan hệ song phương Nga - Pháp cũng như Nga với EU.


Lời mời của Tổng thống Pháp E.Macron đưa ra với nhấn mạnh: “Bất luận có những khác biệt trong quan điểm về nhiều vấn đề, hai nước Nga và Pháp vẫn có quan hệ lâu đời và đặc biệt”. Chính vì vậy, cuộc gặp lần này giữa hai nhà lãnh đạo có thể sẽ dẫn tới hàng loạt những thay đổi quan trọng, không chỉ trong cách tiếp cận của Nga và Pháp đối với các vấn đề toàn cầu, mà còn hứa hẹn thay đổi cục diện của nhiều mối quan hệ nhạy cảm, trong đó bao gồm cả quan hệ giữa Nga với Liên minh Châu Âu (EU) hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tới nay, Nga cũng chịu nhiều thiệt hại về kinh tế bởi các lệnh trừng phạt từ EU. Cách duy nhất để gỡ bỏ bế tắc là cải thiện quan hệ với hai nước dẫn dắt EU hiện nay là Pháp và Đức, vốn cũng muốn đưa Nga trở lại quỹ đạo đối thoại với Châu Âu.

Dễ thấy, không có Nga, Châu Âu cũng không thể giải quyết các vấn đề Syria, Ukraine. Do đó việc giảm bớt căng thẳng là sự mong muốn của cả đôi bên. Thêm vào đó, việc Tổng thống Nga tới Pháp trên danh nghĩa dự lễ kỷ niệm cũng giúp Mátxcơva không ngại bị coi là mất thể diện, trong khi Paris cũng khỏi rơi vào thế khó xử trước các đồng minh trong EU và NATO. Với nước Pháp, cuộc gặp lần này còn là "cơ hội vàng” để khẳng định vai trò đại diện của Paris trong khối EU trước các vấn đề quốc tế.

Cuộc gặp cũng tạo điều kiện để lãnh đạo hai nước tìm cách cải thiện mối quan hệ song phương vốn lâu nay khá mờ nhạt. Điều này thể hiện rõ nét qua nhận định của Tổng thống Pháp ngay trước chuyến thăm. Trong khuôn khổ cuộc gặp, hầu như mọi vấn đề “nóng” trên thế giới đều đã được hai bên nhắc tới. Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh rằng cả Mátxcơva và Paris đều quyết tâm tìm kiếm giải pháp chung cho cuộc chiến chống khủng bố; xung đột ở Syria; vấn đề Ukraine; cũng như chương trình hạt nhân của Triều Tiên… để tiến tới cải thiện tình hình hiện tại.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận mọi nỗ lực xích lại gần nhau giữa Nga và Pháp vẫn sẽ vấp phải những rào cản. Trong cuộc gặp, đối với các biện pháp trừng phạt mới của EU, Tổng thống Pháp E.Macron nhận định đó là hệ quả của những leo thang xung đột ở Ukraine, bất chấp việc Mátxcơva luôn khẳng định không tham gia vào cuộc xung đột mà chỉ đóng vai trò trung gian để giải quyết khủng hoảng. Dĩ nhiên, với quan điểm đầy thiện chí, hai bên cũng đã nhất trí rằng cần tiến hành vòng đàm phán mới về Ukraine.

Đối với vấn đề Syria, ông E.Macron khẳng định, Pháp muốn hợp tác với Nga trong các hoạt động chống khủng bố, tuy nhiên ông cũng nêu rõ có một giới hạn đỏ rất rõ ràng về việc sử dụng vũ khí hóa học tại quốc gia Trung Đông này. Về phần mình, Tổng thống Nga Putin đánh giá tích cực về nội dung cuộc hội đàm và không ngần ngại bày tỏ mong muốn về việc cải thiện chất lượng hợp tác giữa hai nước trong tương lai.

Có thể khẳng định, việc mạnh dạn bước qua những rào cản để gặp gỡ, đối thoại về những vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, cho thấy quyết tâm rất lớn của cả Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Pháp E.Macron. Dù chưa đi đến những quyết định mang tính đột phá, cuộc gặp vẫn là tiền đề tốt để cải thiện mối quan hệ giữa hai bên, từ đó mở ra cơ hội cho những thay đổi tích cực đối với bức tranh kinh tế - chính trị toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gạt bỏ những bất đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.