(HNMO) - Mặc dù cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế nhưng VN-Index có phiên giảm thứ 2 liên tiếp bởi mã có mức vốn hóa lớn là GAS xuống giá.
Ảnh minh họa |
Tính đến 10h40, VN-Index tăng 1,43 điểm, tương ứng 0,25%, lên 579,56 điểm và VN30-Index đạt mức 617,9 điểm sau khi cộng 2,84 điểm. Nhìn chung, thị trường vẫn diễn ra trong tình trạng rung lắc. Chính vì thế, có lúc thị trường tăng hơn 2 điểm nhưng có thời điểm chỉ nhích chưa đầy 0,5 điểm.
Trong phiên ngày 30/6, sau chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp của tuần trước, áp lực chốt lời đã bắt đầu xuất hiện tại một số mã dẫn dắt. Mặc dù vậy, thanh khoản ở mức thấp cho thấy áp lực phân phối không thực sự mạnh và thị trường vẫn có cơ hội duy trì xu hướng hồi phục nhẹ. Điểm đáng lưu ý là đà tăng của thị trường chỉ được tạo bởi một số ít các mã có triển vọng kết quả kinh doanh quý 2 tích cực, tiêu biểu có thể kể đến nhóm ngành cao su chế biến với hơn 1 tuần tăng điểm liên tiếp.
Ở phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu lớn lên giá khá tốt. Cụ thể, trong nhó VN30, có tới 16 mã tăng giá, chỉ 3 mã giảm giá là PGD, PPC, VSH hạ 100-800 đồng mỗi cổ phiếu. Các mã lên giá là BVH, FPT, MSN, MBB, VIC, VNM....Số mã đứng giá là 11 cho thấy số nhà đầu tư chưa tham gia thị trường vẫn khá lớn.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán tại sàn TP HCM đồng loạt đi lên. Cụ thể, SSI ghi 400 đồng/cổ phiếu, AGR tăng 300 đồng/cổ phiếu, HCM tăng 200 đồng/cổ phiếu, BSI nhích 100 đồng/cổ phiếu. Tại sàn Hà Nội, BVS, CTG, KLS, ORG tăng 100-200 đồng mỗi cổ phiếu trong khi SHS, VND, WSS giữ giá tham chiếu.Tính chung toàn thị trường, cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế với 80 mã đi lên, 60 mã đi xuống.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là thanh khoản của thị trường không được cải thiện nhiều. Đến thời điểm trên, tổng cộng chỉ có 35,5 triệu cổ phiếu và 543 tỷ đồng được chuyển nhượng. Như vậy, nếu thanh khoản không sớm được cải thiện, nhiều nhà đầu tư có thể sẽ chọn giải pháp rút ra ngoài quan sát.
Công ty chứng khoán BVSC nhận định, trong 2 tuần đầu của tháng 7, thị trường có thể sẽ tiếp tục phân hóa mạnh theo thông tin kết quả kinh doanh quý 2. Trong giai đoạn diễn biến giằng co, thanh khoản thấp, các chiến lược lướt sóng ngắn hạn sẽ khó thu được lợi nhuận đáng kể nếu không muốn nói là gặp phải rủi ro thua lỗ khá cao nếu lựa chọn không đúng cổ phiếu. Ngoài ra, mức độ phản ánh của thông tin tại những mã có triển vọng kết quả kinh doanh quý 2 khả quan nhưng đã tăng mạnh cũng có thể tạo ra rủi ro cho những nhà đầu tư đến sau.
Trên sàn Hà Nội, thanh khoản cũng ở mức rất thấp. Tổng cộng có16,238 triệu cổ phiếu được giao dịch thành công, tương ứng hơn 175 tỷ đồng. Các chỉ số tăng-giảm đan xen: HNX-Index hạ 0,08 điểm, còn 77,86 điểm; HNXFF-Index về mức 78,56 điểm, giảm 0,04 điểm trong khi HNX30-Index tăng 0,38 điểm, lên 157,85 điểm.
Sang phiên giao dịch buổi chiều, thị trường diễn biến theo xu hướng giảm là chủ yếu. Đóng cửa phiên, VN-Index giảm nhẹ 0,06 điểm, xuống 578,07 điểm trong khi VN30-Index tăng 2,9 điểm, lên 617,96 điểm.
Sở dĩ chỉ hai chỉ số trên trái chiều bởi tại nhóm tính VN30, phần lớn cổ phiếu tăng giá. Cụ thể, chỉ có 4 mã giảm giá là GMD, STB, VCB, VSH ,hạ 100-200 đồng mỗi cổ phiếu trong khi có tới 18 mã lên giá. Còn trên toàn thị trường số mã đi lên chiếm ưu thế (119 mã tăng, 80 mã giảm) nhưng chỉ số chung vẫn đi xuống bởi mã có mức vốn hóa thuộc lớn nhất thị trường là GAS lại giảm 1.000 đồng, xuống 111.000 đồng/cổ phiếu nên đã kéo thị trường đi xuống.
Nhóm chứng khoán vẫn giữ vững đà đi lên: BSI và HCM cùng tăng 100 đồng/cổ phiếu, SSI ghi 500 đồng/cổ phiếu, AGR tăng hết biên độ 400 đồng/cổ phiếu. Giao dịch thị trường ở mức trung bình với 1.552 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.
Trên sàn Hà Nội, nhóm cổ phiếu chứng khoán lại chững lại. Các mã tăng vào buổi sáng thì đến chiều đứng giá như CTS, KLS, BVS, ORS. VND giảm 100 đồng/cổ phiếu trong khi SHS tăng 100 đồng/cổ phiếu. Toàn sàn có 44,788 triệu cổ phiếu và hơn 505 tỷ đồng được giao dịch thành công. Chốt phiên, HNX-Index nhcihs 0,14 điểm, lên 78,08 điểm; HNXFF-Index đạt 78,77 điểm sau khi cộng 0,17 điểm; HNX30-Index ghi 0,72 điểm, lên 158,2 điểm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.