(HNM) - Trước khi đến với vòng loại thứ 3 này, Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam đã trải qua hành trình rất tuyệt vời ở vòng loại thứ 2, lần lượt vượt qua Đài Loan 1-0, Myanmar 4-2, Jordan 2-1 và Thái Lan 2-0, giành ngôi đầu với 12 điểm sau 4 trận.
Quả thực, nhiều người vẫn hay thắc mắc bóng đá nam quốc gia thường được quan tâm nhiều hơn bóng đá nữ quốc gia, dù rằng thành tích của bóng đá nữ thường cao hơn ở đấu trường quốc tế. Chính vì vậy, lần này, việc Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF dành thời gian và tâm sức cho chuyện ăn, ở, tập huấn và thi đấu của Đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia đã nhận được sự đồng tình của báo giới.
Một buổi luyện tập của các tuyển thủ nữ Việt Nam. Ảnh: Minh Hoàng |
Qua quá trình làm việc với LĐBĐ Nhật Bản, lãnh đạo VFF đã lên lịch tập huấn và thi đấu tại Nhật Bản cho đội tuyển rất khoa học, hợp lý. Cụ thể: Từ ngày 21-2 đến 26-2, Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ tập huấn tại TP Osaka và thi đấu giao hữu 1 trận với một CLB nữ Nhật Bản. Từ ngày 27-2 đến 9-3, đội sẽ tham dự vòng loại thứ 3 Olympic nữ Rio 2016 tại bảng A với lịch thi đấu như sau: Lần lượt gặp Trung Quốc ngày 29-2, Australia ngày 2-3, CHDCND Triều Tiên 4-3, Nhật Bản 7-3 và Hàn Quốc 9-3.
Đáng chú ý, trước thềm vòng loại thứ 3 Olympic Rio 2016 khu vực Châu Á, VFF đã liên hệ và sắp xếp thành công chuyến tập huấn ngắn ngày cho đội tuyển nữ quốc gia tại TP Thẩm Quyến (Trung Quốc), thi đấu tại Giải đấu giao hữu quốc tế được đánh giá là "tiền Olympic 2016" với sự góp mặt của Trung Quốc, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam. Dự kiến, các nữ cầu thủ Việt Nam sẽ thi đấu 3 trận với các đối thủ chất lượng vào các ngày 21, 23 và 25-1.
Hiện tại, phần lớn Đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia đã có mặt tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Mỹ Đình, Hà Nội), tập luyện 2 buổi/ngày, chủ yếu là các bài tập chạy bền, căng cơ và thi đấu đối kháng. Chức danh đội trưởng và đội phó tiếp tục được trao cho Đặng Thị Kiều Trinh và Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Ngoài Trần Nguyễn Bảo Châu mới hồi phục chấn thương khớp gối và tiền vệ Trần Thị Thùy Trang bị đau khuỷu tay, số còn lại đều sẵn sàng nhập cuộc. Trao đổi với báo giới, HLV trưởng Mai Đức Chung nhấn mạnh: "Tôi muốn xây dựng một đội tuyển với bản sắc riêng, phù hợp với tầm vóc, thể trạng người Việt Nam. Với các đối thủ mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia, chúng ta phải có đấu pháp phù hợp với lối đá phối hợp nhỏ, đẩy nhanh tốc độ trên 1/3 sân đối phương để đối phó hiệu quả"!
Thay mặt lãnh đạo VFF, Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn đã đến sân vận động Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam động viên tinh thần toàn đội. Ông Tuấn bày tỏ: "Bằng tất cả khả năng của mình, VFF đã cố gắng làm việc với LĐBĐ Trung Quốc và Nhật Bản, sắp xếp 2 chuyến tập huấn, thi đấu tại hai quốc gia này với các đối thủ cọ xát đẳng cấp thế giới. Vòng loại Olympic Rio 2016 là sự kiện quan trọng, hy vọng các thành viên trong ban huấn luyện sẽ có sự phối hợp tốt, các cầu thủ thi đấu tự tin, cố gắng hết mình".
Điều lệ vòng loại thứ 3 bóng đá nữ Olympic Rio 2016 khu vực Châu Á quy định các đội thi đấu theo thể thức vòng tròn 1 lượt tại Osaka (Nhật Bản), chọn ra 2 đội xếp đầu đại diện cho châu lục giành quyền tới Brazil tham dự Olympic Rio mùa hè 2016. Trước khi đến với vòng loại thứ 3 này, Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam đã trải qua hành trình rất tuyệt vời ở vòng loại thứ 2, lần lượt vượt qua Đài Loan 1-0, Myanmar 4-2, Jordan 2-1 và Thái Lan 2-0, giành ngôi đầu với 12 điểm sau 4 trận.
Kể ra thế để thấy dù các đối thủ của đội tuyển nữ Việt Nam đều rất mạnh, nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng và tinh thần thi đấu hết mình, giới chuyên môn vẫn hy vọng các cô gái Việt Nam có thể làm nên bất ngờ. Và dù có thể giành suất dự Olympic Rio hay không, riêng cơ hội được thi đấu cọ xát cùng các đối thủ hàng đầu châu lục cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho các nữ cầu thủ Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.