Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gấp rút chặng cuối

Thống Nhất| 05/05/2011 07:36

(HNM) - Chưa đầy một tháng nữa, hơn một triệu thí sinh (TS) cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2011. Với số lượng TS lớn nhất cả nước, công tác tổ chức thi của Hà Nội được dự kiến có nhiều phức tạp, đòi hỏi từng cơ sở, từng thành viên tham gia phải cẩn trọng trong mọi khâu, nhất là ở chặng cuối…


Hạn chế bỏ thi vì phải đi xa


Các thí sinh ôn tp chun b cho kỳ thi tt nghip THPT.  nh: Viết Thành


Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, những năm trước, hiện tượng bỏ thi của TS ở các môn vẫn còn nhiều và chưa có chiều hướng giảm. Nguyên nhân là do TS tự nhận thấy năng lực chưa đáp ứng yêu cầu của kỳ thi nên không tham dự, hoặc bỏ thi giữa chừng vì lý do khách quan. Tuy nhiên, trên thực tế, không hiếm TS vì chặng đường đến địa điểm thi quá dài nên đến muộn, phải bỏ thi.

Minh chứng cho thực trạng này, ông Hoàng Châu Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Ba Vì cho biết: Trong 3 trường THPT thuộc cụm thi Ba Vì, khoảng cách giữa các trường là 10km, nhưng quãng đường mà HS phải di chuyển từ nhà đến địa điểm thi có thể lên tới 40km. Đây thực sự là mối lo của ban giám hiệu, thầy, cô các trường, nhất là khi thời tiết không thuận lợi.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đoàn Hoài Vĩnh cho rằng, phương án chia cụm như hiện nay của Hà Nội là tương đối hợp lý, khó có thể chia nhỏ hơn. Do cách tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội hiện nay là theo khu vực, những em không đủ điểm vào trường gần nhà thường phải đi học xa hơn, thậm chí sang quận, huyện khác để học, nên việc tính toán để tất cả TS đều được dự thi ở địa điểm gần nhà rất khó thực hiện. Để giúp TS đi thi thuận lợi, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã yêu cầu hiệu trưởng các trường lập danh sách những TS phải đi thi quá xa (từ hơn 20km trở lên). Danh sách này được gửi tới trường có tổ chức thi để hiệu trưởng nơi đó bố trí, sắp xếp nơi ăn, nghỉ cho những TS có nhu cầu trong 3 ngày diễn ra kỳ thi.

Gấp rút chặng cuối

Thời điểm này, ngoài việc lo chuẩn bị hồ sơ, cơ sở vật chất, thiết bị cho kỳ thi, các trường còn quan tâm tới việc tổ chức và hướng dẫn TS ôn thi. Tùy theo chất lượng "đầu vào", khả năng, trình độ nhận thức của TS mà giáo viên điều chỉnh hình thức, nội dung ôn tập cho phù hợp. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định - Nguyễn Dương Quang, với tỷ lệ HS khá, giỏi chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số gần 550 HS lớp 12 nên việc hướng dẫn ôn tập cho HS trung bình trở xuống được trường đặc biệt chú ý. Cũng với mục tiêu hàng đầu là đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao, lứa HS lớp 12 đầu tiên của Trường THPT Trung Văn được tập dượt với không khí thi, kỹ năng làm bài thi ngay từ những ngày đầu năm học thông qua các bài kiểm tra định kỳ. Việc chia tốp, phân loại HS để ôn tập là biện pháp được các trường đánh giá có hiệu quả vì có thể kịp thời điều chỉnh liều lượng kiến thức cho phù hợp với từng HS. Còn với những trường có "đầu vào" cao, tỷ lệ HS khá, giỏi chiếm đa số thì mục tiêu ôn tập lại là "2 trong 1". Ông Nguyễn Hoàng Kim, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính nói: Với hơn 500 HS lớp 12, trong đó có tới 80% HS học lực khá, giỏi nên việc định hướng ôn tập không chỉ nhằm giúp TS có điểm tốt nghiệp THPT cao, mà còn có thể giúp các em thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ như mong muốn.

Việc phổ biến cho HS và giáo viên về quy chế thi cũng được lãnh đạo ngành nhấn mạnh với hiệu trưởng các trường. Theo yêu của Sở GD-ĐT, các đơn vị cần tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan, cho rằng việc tổ chức thi tốt nghiệp là công việc thường niên, không có gì cần lưu ý đặc biệt. Trong thực tế, việc phổ biến quy chế kỹ càng, cẩn thận, chu đáo sẽ giúp công tác tổ chức thi tránh được sai sót, giám thị sẽ tự tin thực thi nhiệm vụ, hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình còn TS thêm bình tĩnh khi làm bài, biết tránh những sai sót không đáng có, tuân thủ nghiêm ngặt quy chế và nhất là tin tưởng vào sự khách quan, công bằng của môi trường thi cử. Đó không chỉ là mục tiêu của những người làm công tác tổ chức thi, mà còn là của toàn xã hội.

10 điều lưu ý khi thi trắc nghiệm
Với các môn thi trắc nghiệm, việc chấm bằng máy đòi hỏi TS phải rất cẩn thận, chính xác trong từng nét chữ, nếu không sẽ dễ bị mất điểm oan, thậm chí có thể khiến máy "hiểu nhầm", coi là đánh dấu bài. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã chia sẻ với các TS những điều cơ bản cần tuân thủ để hạn chế tối đa sai sót.
1. Đề thi vừa nhận từ giám thị (GT) phải để dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN), không được đọc. Khi tất cả TS trong phòng đã nhận đề thi, được sự cho phép của GT, TS bắt đầu đọc đề thi.
2. Phải kiểm tra đề thi để bảo đảm: đề thi đủ số trang, số lượng câu trắc nghiệm; nội dung rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu phát hiện bất thường phải báo ngay cho GT.
3. Ghi tên và số báo danh của mình vào vị trí tương ứng trong đề thi, xem mã đề thi (in trên đầu đề thi) và dùng bút mực hoặc bút bi ghi ngay 3 chữ số của mã đề thi vào 3 ô vuông nhỏ ở đầu các cột của khung mã đề thi (mục số 10 trên phiếu TLTN); sau đó dùng bút chì lần lượt, theo từng cột, tô kín ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu mỗi cột.
4. Theo yêu cầu của GT, tự ghi mã đề thi của mình vào 2 phiếu thu bài thi. Tuyệt đối không ký tên vào phiếu thu bài khi chưa nộp bài.
5. Trên phiếu TLTN chỉ được viết một thứ mực không phải là mực đỏ và tô chì đen ở ô trả lời; không được tô bất cứ ô nào trên phiếu TLTN bằng bút mực, bút bi.
6. Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu TLTN bằng bút mực và các câu trả lời tô chì, tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu. Bài có dấu hiệu riêng sẽ bị coi là phạm quy và không được chấm điểm.
7. Giữ phiếu TLTN phẳng, không được gập và làm bẩn.
8. Làm xong bài phải ngồi tại chỗ, không nộp bài trắc nghiệm trước khi hết giờ làm bài,
9. Khi hết giờ, có lệnh thu bài, TS phải ngừng làm bài, bỏ bút xuống; đặt úp phiếu TLTN trên đề thi; chờ nộp phiếu TLTN theo hướng dẫn của GT. TS không làm được bài vẫn phải nộp phiếu TLTN. Khi nộp phiếu TLTN, TS phải ký tên vào phiếu thu bài thi.
10. Chỉ được rời khỏi chỗ của mình sau khi GT đã kiểm đủ số phiếu TLTN của cả phòng thi và cho phép ra về.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gấp rút chặng cuối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.