(HNMO) - Trong những ngày tháng 8 lịch sử này, may mắn tôi có cơ hội được gặp một nhân chứng lịch sử - ông Đặng Văn Việt, một lão thành cách mạng, lão tướng và là người đã tham gia sự kiện “Hạ cờ nhà vua, giương cao cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Kinh đô Huế” (21-8-1945), chỉ 3 ngày trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thành công ở Huế (23-8-1945).
Ông Đặng Văn Việt năm 38 tuổi (sau khi được phong quân hàm Trung tá, năm 1958). |
Con nhà “danh gia vọng tộc”
Ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Đặng Văn Việt vẫn còn khoẻ mạnh và minh mẫn. Ở tuổi 98, hàng ngày ông vẫn đi đi về về trên căn hộ tầng 4, khu tập thể Bộ Xây dựng, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Tiếp tôi trong không gian nhỏ hẹp của căn hộ chỉ trên 16 m2, ông Việt vẫn giữ phong thái của con nhà “quan”, khách đến nhà là phải rót rượu mời. Ấn tượng hơn, sau sự kiện treo cờ 72 năm trước, hiện nay ông vẫn viết sách, dịch tiếng Pháp, học tiếng Anh không cần kính lão.
Ông Việt chia sẻ, cả đời ông đã cống hiến cho sự nghiệp nhà binh, đánh hàng trăm trận nhưng không phải để màng danh lợi. Ông chỉ mong góp sức xây dựng đất nước mình ngày càng giàu đẹp. Ông bảo “Nếu cần đi xe hơi, tôi được đi từ trong bụng mẹ rồi!”.
Ông Đặng Văn Việt sinh tại Nghệ An, trong gia đình nhà nho họ Đặng. Vì sinh ra trong một gia đình nhà Nho, nên ông được gia đình cho ăn học đến nơi, đến chốn. Sau khi đậu Tú tài (trung học ở Huế), ông ra Hà Nội học ngành Y khoa. Ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp, Trường Đại học Y khoa Đông Dương đóng cửa, chàng trai Đặng Văn Việt cùng 42 sinh viên miền Trung phải quay về quê.
Biết Nhật sẽ đảo chính Pháp nên luật sư Phan Anh (một trong 16 thành viên nội các của Chính phủ Trần Trọng Kim) và GS Tạ Quang Bửu (cố vấn đặc vụ ủy viên Bộ Thanh niên) chớp thời cơ thành lập Trường Thanh niên tiền tuyến Huế thu hút ngay số sinh viên miền Trung này.
GS Tạ Quang Bửu vốn là thầy giáo cũ đã viết thư khuyên Đặng Văn Việt và bạn học gia nhập trường. Thực chất đây là trường võ bị nhằm “Việt Minh hóa” 43 trí thức trẻ từ Trường đại học Y khoa Đông Dương thành “sinh viên Việt Minh” có trình độ quân sự nhất định.
Sáng 20-8-1945, ông Đặng Văn Việt nhận tin mật “mời đến một địa điểm gần Nam Giao gặp đồng chí Trần Hữu Dực”. Khi gặp, ông Dực giao cho Đặng Văn Việt một lá cờ Tổ quốc “to gần bằng cả gian nhà”, nói: “Tôi giao cho đồng chí lá cờ đỏ sao vàng. Đồng chí có nhiệm vụ treo lên cột cờ lớn trước cửa Ngọ Môn vào sáng 21-8”.
Thời khắc lịch sử
Bằng chất giọng trầm nhưng sắc gọn, ông Đặng Văn Việt kể về sự kiện “Hạ cờ nhà vua, giương cao cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Kinh đô Huế”, thực chất là một trận đánh nhỏ, không kèn, không trống, không một tiếng súng... nhưng hiệu quả đạt được rất to lớn. Theo lời ông Việt, thì tuy trận đánh diễn ra trong yên ả như vậy, nhưng cũng không hề dễ dàng.
Diễn viên đóng vai “sinh viên Việt Minh” Đặng Văn Việt chuẩn bị kéo cờ lên Kỳ đài Huế (21-8-1945) -cảnh một bộ phim tài liệu của Đài Truyền hình VN. |
Sau khi nhận lá cờ từ đồng chí Trần Hữu Dực, ông hiểu rằng đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Quay về trường, ông ngẫm nghĩ “mình phải làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng này”. Ông được anh Lâm Kèn (tổ trưởng tổ Việt Minh gồm 5 sinh viên nòng cốt) huy động thêm Nguyễn Thế Lương (sau này là Thiếu tướng Cao Pha, Cục trưởng Cục 2 - Bộ Quốc phòng) cùng đi treo cờ.
Tổ Việt Minh cho hai người mượn khẩu súng Barillet với 6 viên đạn để tăng uy thế trước phản ứng của lính cận vệ hoàng gia.
Rạng sáng 21-8-1945, Đặng Văn Việt và Cao Pha “đóng” bộ ghệt bóng lộn. Đầu đội mũ calô, chân đi giày da. Khẩu Barillet đeo sệ bên hông. Lúc đó lá cờ đã được cuộn dài như “con trăn” gác lên hai xe đạp. Hai người kỳ cạch đẩy xe đi khoảng 2km thì đến chân cột cờ Huế.
“Anh Cao Pha dừng lại bảo vệ lá cờ, còn tôi băng lên gặp thầy đội chỉ huy đội bảo vệ cờ của triều đình gồm 12 lính dõng với 12 khẩu Mútcơtông thông báo: “Theo lệnh của Ủy ban kháng chiến Trung bộ, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ cách mạng thay cờ quẻ ly. Các ông giúp chúng tôi thực thi nhiệm vụ”.
Trước áp lực và khí thế cách mạng, thầy đội gọi tôi bằng “ngài” và nói: “Dạ các ngài cứ ra lệnh”” - ông Việt nhớ lại.
“9h ngày hôm đó, 6 lính dõng vạm vỡ giúp hạ cờ quẻ ly để chúng tôi thay bằng cờ đỏ sao vàng. Thay xong, 6 lính pháo đùng và thầy đội xếp hàng ngang. Anh Cao Pha đứng hàng trước. Tôi đứng ngoài hô: Kéo cờ... Chào!
Lính pháo đùng bồng súng, còn chúng tôi đưa tay chào kiểu nhà binh. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc từ từ được kéo lên cao theo hệ thống dây thừng ròng rọc to bằng cổ tay. Nhìn theo lá cờ tung bay, lòng tôi rạo rực, máu trong tim như sôi bừng lên vì phấn khích, tự hào.
Ông Việt còn nhớ như in, lá cờ treo lên Kỳ đài ở Huế rộng 120 m2, nó được nhanh chóng kéo kên đỉnh Kỳ đài thay thế cho cờ nhà vua. Cột cờ nặng trên 100 tấn, cao 50m, đứng xa 40 km còn trông thấy chấm đỏ của màu cờ. Bóng cờ làm rợp cả một góc thành đô, gây một chấn động lớn trong và ngoài nước. Ông cũng nhớ thời điểm đó, khi ông đang hạ cờ - treo cờ, bỗng xuất hiện 2 chiếc thuỷ phi cơ của Mỹ từ hạm đội 7 bay vào, lượn vài vòng rồi quay ra biển. Ông cho rằng, chính vì vậy mà tin Việt Minh đã làm chủ Kinh đô Huế đã được Lầu năm góc biết rất nhanh. Ngay lập tức, ngày 22-8-1945, Tổng thống Mỹ Truman đang họp bàn cùng Tổng thống Pháp Đờ - Gôn đã hạ bút ký ngay một Hiệp định: “Mỹ và Pháp bắt đầu cuộc hợp tác tương trợ trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương”. Sau đó, Vua Bảo Đại hốt hoảng triệu tập toàn thể Hoàng gia và các quan Đại thần để họp bàn, định ra kế sách: “Với Việt Minh, hoà hay chiến? Tiến hay lùi? – Trước khí thế và lực lượng Việt Minh đang tràn ngập đất nước?”. Các lực lượng chống đối liền ngấm ngầm chuẩn bị những đòn phản kích: 500 tù nhân người Pháp đang bị quân Nhật giam giữ ở trường Providence Huế chuận bị phá hàng rào, chỉ cần một đêm là chúng có thể trở lại chiếm các nhiệm sở của chế độ thực dân ở Kinh thành Huế.
Chính phủ Đờ - Gôn cho thả dù một tổ biệt kích (gồm 6 người do Quan tư Castella chỉ huy) nhảy dù xuống Hiền Sỹ, phía Bắc cách Huế 25 km, giả danh là phái bộ của Đồng minh, để liên lạc với Bảo Đại, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi và các lực lượng chống đối khác, nhằm ngăn chặn chủ trương thoái vị của nhà vua và phục hồi sự thống trị của Pháp ở miền Trung, nhưng họ chưa kịp hành động đã bị lực lượng Thanh niên Tiền tuyến Huế tiêu diệt, bắt gọn. Còn nhân dân Kinh đô Huế và các vùng lân cận thì vô cùng phấn khởi, họ truyền tai nhau tin: “Cờ đỏ sao vàng! Cách mạng đã về! Độc lập – Tự do đã đến với nhân dân ta!”.
Tiếp theo, 3 ngày sau đó (23-8-1945), Cách mạng Tháng Tám nổ ra ở Kinh đô Huế. Hàng chục vạn người dân đổ về, mít tinh rầm rộ như những dòng thác lũ. Chính quyền đã về tay nhân dân!
Rồi ông kể tiếp: “Ngày 23-8-1945, sau ba ngày treo cờ, khi tôi đang đứng trên cửa Ngọ Môn dự lễ vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và trao ấn tín, kiếm báu cho chính quyền cách mạng thì một thầy đội nói thầm vừa đủ tôi nghe: Hôm hai ông chở cờ đến, tôi được lệnh triển khai một đại đội cảnh vệ hoàng gia nằm dọc theo thành của cửa Ngọ Môn.
120 mũi súng đã chĩa thẳng vào hai ông. Tôi xin phép nhà vua cho bóp cò, nhưng cả nhà vua và hoàng hậu Nam Phương đều không đồng ý. Chính vì vậy mà tôi còn sống đến ngày hôm nay”.
Thắng lợi của trận đánh này có vai trò lịch sử rất quan trọng, góp phần giúp cho cuộc Cách mạng của Việt Minh thắng lợi. Đó là việc buộc nhà Vua Bảo Đại phải rời bỏ ngai vàng, tạo tiền đề cho một chế độ chính trị mới, tiến bộ hơn được xác lập ngay tại Kinh đô Huế. Sự kiện này là một điểm sáng chói trong Cách mạng Tháng Tám – cuộc cách mạng đã làm cho triều đình phong kiến nhà Nguyễn tồn tại 13 đời Vua, 143 năm trị vì đất nước bỗng chốc sụp đổ. Nó cũng chính là mốc son chấm dứt chế độ phong kiến đã tồn tại hơn 1.000 năm ở Việt Nam.
Trận đánh nhỏ chiếm Kỳ đài còn có ý nghĩa là trận đánh thắng đầu tiên mở màn cho trận đánh lớn trường kỳ 30 năm của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.