Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Theo Hoàng Thị Hoa/TTXVN| 16/11/2020 21:29

Chiều 16-11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự cuộc gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2020). Cuộc gặp mặt do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng lẵng hoa các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tham dự cuộc gặp có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân. Các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng… cùng các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cùng tham dự.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, năm học vừa qua rất đặc biệt, ngành giáo dục vừa phải thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa phải phòng, chống bão lụt, nhưng các thầy, cô giáo đã có những nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn.

Nhân dịp này, thay mặt Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã luôn tin tưởng, tạo mọi điều kiện để ngành giáo dục phát triển; cảm ơn sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như những đóng góp rất tích cực của các đại biểu Quốc hội đã, đang công tác trong ngành giáo dục.

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình gửi lời chúc sức khỏe tới các vị đại biểu đã, đang công tác trong ngành giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà giáo trong cả nước sẽ mãi làm trọn "đạo nhà giáo" thiêng liêng của mình.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, truyền thống tôn sư trọng đạo đã được bao thế hệ người Việt Nam gìn giữ như một ngọn lửa thiêng liêng, một đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các nữ đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Trong không khí cả nước cùng hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam, với sự trân trọng của toàn xã hội dành để tôn vinh và tri ân công lao của các nhà giáo, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng tham dự buổi gặp mặt; gửi đến các đại biểu Quốc hội đã, đang công tác trong ngành giáo dục những lời chúc tốt đẹp nhất, những lời tri ân của nhân dân tới các thế hệ nhà giáo đã dày công dạy dỗ cho biết bao thế hệ người Việt Nam trưởng thành.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chưa bao giờ đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn như năm nay, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phòng chống thiên tai. Cả hai khó khăn, thách thức này đều trực tiếp ảnh hưởng tới ngành giáo dục, tới việc dạy và học của các thầy, cô giáo và của học sinh, sinh viên. 

Tuy nhiên, trong khó khăn vì thiên tai, dịch bệnh, chúng ta đã thể hiện được bản lĩnh rất kiên cường, sáng tạo và đổi mới. Cho tới nay, toàn ngành giáo dục đã thực hiện được đúng định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, tổ chức thay đổi các phương thức để tiếp tục hoàn thành chương trình học và tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Sau đợt thiên tai vừa qua, rất nhiều học sinh không còn sách vở, không còn trường lớp để học. Đảng, Nhà nước đã tập trung nguồn lực và chỉ đạo sớm khôi phục trường lớp, cơ sở thiết bị dạy học, tạo điều kiện để các cháu được trở lại trường trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển có bước ngoặt, phải vượt qua được ngưỡng thu nhập trung bình, phấn đấu trở thành một nước phát triển. Do vậy, vai trò, sứ mệnh của ngành giáo dục ngày càng có ý nghĩa và quan trọng hơn. Cùng với những cơ hội và thách thức của thời đại khoa học công nghệ, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, đất nước ta đang hội nhập sâu rộng, trách nhiệm rất nặng nề của ngành giáo dục là phải làm sao để giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam có văn hóa, có tri thức, có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc tốt, sống nhân văn, yêu quê hương, yêu đất nước.

Dù ở đâu và vào thời điểm nào, nghề giáo luôn là nghề cao quý nhất, người thầy luôn giữ vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo, sự nghiệp trồng người. 

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với sự quyết tâm, phấn đấu, ngành giáo dục nói chung, các thầy, cô giáo nói riêng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và phẩm chất cao quý của mình, tích cực chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi chủ trương đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Cơ hội mới song hành với khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực hơn nữa. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội mong toàn ngành giáo dục khắc phục khó khăn để thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội chúc các đại biểu và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp trồng người cao quý; chúc sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta ngày càng phát triển tốt đẹp.

Thay mặt các đại biểu đã, đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ phát biểu cho biết: Nhiều năm qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội luôn tổ chức gặp mặt các đại biểu Quốc hội đã và đang công tác trong ngành giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 với sự tham gia của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ. 

Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, cố gắng đưa nền giáo dục Việt Nam ngày càng phát triển. Cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với ngành giáo dục, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương khẳng định, những người làm trong ngành giáo dục luôn cố gắng hết sức mình dù trong điều kiện khó khăn nhất để hoàn thành trách nhiệm với sự phát triển của ngành giáo dục, của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.