Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gặp khó trong huy động nguồn lực

Minh Ngọc| 13/07/2013 07:55

(HNM) - Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMT) về văn hóa giai đoạn 2011-2015 vừa được Bộ VH,TT&DL tổ chức tại Hà Nội, các đại biểu có chung nhận định: Chương trình đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc,

Kết quả trong việc sử dụng nguồn vốn từ CTMT đầu tư cho lĩnh vực văn hóa trong 3 năm gần đây khá ấn tượng. Trong 6 nhóm dự án nhận được hỗ trợ thông qua CTMT, các dự án chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích được "ưu ái" hơn cả. Cũng dễ hiểu bởi di tích là "những trang sử sống" ghi lại dấu tích về sự biến động của lịch sử, thế hệ sau nhìn vào có thể biết được truyền thống văn hóa, lịch sử, những gì cha ông đã làm được để có ngày hôm nay.

Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) sau khi tu bổ đã trở thành sản phẩm du lịch đặc thù. Ảnh: Yến Ngọc



Dự kiến, chỉ tính trong giai đoạn 2011-2015, CTMT hỗ trợ tu bổ tổng thể cho khoảng 300 di tích, hỗ trợ chống xuống cấp cho khoảng 1.200 di tích. Mặc dù công tác giải ngân gặp không ít khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng đến thời điểm này, cả nước đã có hơn 700 di tích được hỗ trợ tu bổ tổng thể hoặc chống xuống cấp với tổng kinh phí lên tới 1.189 tỷ đồng. Sau khi tu bổ, nhiều di tích trở thành sản phẩm du lịch đặc thù như đình Chu Quyến (Hà Nội), Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), cầu treo Bến Tắt (Quảng Trị), Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam), nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang)… Thông qua việc sử dụng nguồn vốn CTMT để trùng tu di tích, nhận thức của cơ quan quản lý, của người dân đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã được nâng lên.

Cùng với việc bảo tồn di tích, CTMT còn giúp thực hiện nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, cải thiện đời sống văn hóa tại địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Sóc Bom Bo (tỉnh Bình Phước), bản Ka Lu (Quảng Trị), làng truyền thống dân tộc Mạ tại xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong (Đắk Nông), làng truyền thống dân tộc Bố Y (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ - Hà Giang)… đã và đang được hỗ trợ để bảo tồn không gian làng mạc, giữ gìn giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với nguồn kinh phí hỗ trợ 12,5 tỷ đồng, 3 năm qua, 25 đoàn nghệ thuật truyền thống đã được nâng cấp trang thiết bị, duy trì sinh hoạt, biểu diễn thường xuyên. Ngoài ra, CTMT còn dành nguồn kinh phí không nhỏ để hỗ trợ mua sách cho 400 thư viện huyện miền núi, cung cấp ấn phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 2.763 xã thuộc khu vực III, 184 trường dân tộc nội trú; xây dựng thêm 1.155 nhà văn hóa thôn, xã...

Những con số ấn tượng nói trên phần nào khẳng định nguồn vốn từ CTMT quốc gia đầu tư cho văn hóa đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguồn lực đầu tư còn thấp

Thực tế đã chứng minh, CTMT quốc gia về văn hóa mang lại hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội có tính bền vững. Tuy thế, việc huy động nguồn lực cho CTMT đang gặp khó khăn và chưa đủ đáp ứng yêu cầu đặt ra từ thực tế cuộc sống. Theo quy định, kinh phí từ ngân sách TƯ dành cho CTMT quốc gia về văn hóa chỉ mang tính hỗ trợ, nhằm thực hiện những nhiệm vụ, công việc then chốt hoặc mang tính cấp bách của ngành. Khi thực hiện, các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực khác. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn từ các địa phương và nguồn xã hội hóa cho phát triển văn hóa hiện còn rất hạn chế, nhất là nguồn vốn dành cho chương trình xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Theo thống kê, nguồn vốn địa phương dành cho CTMT trong 3 năm chỉ đạt hơn 651 tỷ đồng (bằng 36% tổng vốn đầu tư), nguồn vốn huy động khác đạt gần 66 tỷ đồng (bằng 3,64%). Đây là nguyên nhân chính khiến CTMT quốc gia về văn hóa có nguồn đầu tư thấp nhất trong số 16 CTMT quốc gia hiện nay.

Nguồn lực không bảo đảm đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng thực hiện nhiệm vụ của ngành văn hóa. Trong thực tế, nhiều di tích quan trọng, thậm chí là cả di tích cấp quốc gia, dù đứng trước yêu cầu cần được trùng tu, tôn tạo khẩn cấp nhưng không thể thực hiện bởi "đói vốn". Thiếu chăm sóc, nhiều di tích đã phải viện đến nguồn kinh phí huy động trong quá trình tu bổ, tôn tạo mà đi liền theo đó thường là cách thức tu bổ, tôn tạo di tích tùy tiện.

Không chỉ có mảng việc bảo tồn di tích chịu ảnh hưởng từ việc thiếu kinh phí, đời sống văn hóa cơ sở và nghệ thuật truyền thống cũng gặp khó khăn hơn khi không nhận được sự trợ giúp đầy đủ thông qua CTMT. Hiện nay, hầu hết các đơn vị nghệ thuật truyền thống hoạt động bằng phương thức lưu diễn, chưa có rạp biểu diễn riêng và điều đó khiến chất lượng bị ảnh hưởng. Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Phạm Văn Thủy cho rằng cần tăng mức đầu tư kinh phí cho CTMT quốc gia về văn hóa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gặp khó trong huy động nguồn lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.