Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gặp khó trong đào tạo cán bộ

Hà Phong| 26/03/2011 07:15

(HNM) - So với 10 năm trước, hiện nay nguồn nhân lực cho ngành tòa án đã có nhiều cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của TAND tối cao, toàn ngành có gần 13 nghìn người và hơn 14 nghìn hội thẩm nhân dân. Trong đó, thẩm phán các cấp là 4.763 người, 100% có trình độ đại học nhưng chuyên môn chưa đồng đều.

Thiếu và yếu

Trong quá trình xét xử, tình trạng án bị cải, sửa không giảm mà có xu hướng tăng. Mặt khác vẫn còn án tồn đọng, đặc biệt ở khâu xem xét đơn yêu cầu theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.

Còn ở những đơn vị cung cấp chứng cứ và thi hành bản án của tòa, như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, thi hành án dân sự, số cán bộ chưa được đào tạo nghiệp vụ còn rất nhiều. Hiện vẫn còn một tỉ lệ khá lớn cán bộ có chức danh tư pháp, nhất là điều tra viên, chưa có trình độ đại học luật (ở Hà Nội là 341, TP Hồ Chí Minh là 486). Tính chung toàn quốc còn tới 30% điều tra viên chưa đạt chuẩn này như yêu cầu của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự. Nếu áp dụng quy định một cách khắt khe thì những trường hợp như vậy sẽ không đủ điều kiện tái bổ nhiệm. Ngoài tiêu chuẩn nền cử nhân luật, các chuyên ngành đều đòi hỏi cán bộ muốn được bổ nhiệm chức danh tư pháp phải trải qua một khóa đào tạo nghề. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, TP phản ánh, việc chọn, cử cán bộ đi học lấy chứng chỉ nghề còn gặp nhiều khó khăn. Một mặt do chỉ tiêu đào tạo mà Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Tư pháp phân bổ quá ít so với nhu cầu. Mặt khác, bản thân các cơ quan tư pháp địa phương đang quá tải công việc. Trong khi một số lớp đào tạo, bồi dưỡng lại phân tán ở nhiều cơ sở, mở trùng với thời gian cao điểm nên khó bố trí người đi học.


Nguồn nhân lực cho ngành tòa án cần được đào tạo, bồi dưỡng bài bản. Ảnh: Nhật Nam


Thiếu phối hợp trong đào tạo

Hiện nay, chương trình đào tạo điều tra viên do các học viện của Bộ Công an đảm đương. Với các chức danh còn lại, Học viện Tư pháp trước đây đào tạo cả thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên thì đến năm 2005, mảng đào tạo chấp hành viên chuyển cho Tổng cục Thi hành án. Từ năm 2008, Viện KSND tối cao không cử người về học các lớp kiểm sát viên nữa mà giao cho trường nghiệp vụ của ngành tự đào đạo. Đến nay, chỉ còn TAND tối cao là cử nhân viên đi học các lớp thẩm phán nhưng cũng có những kiến nghị xin rút để ngành tự đứng ra lo bồi dưỡng kiến thức…

Tại phiên giám sát về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp vừa được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức vào đầu tháng 3-2011, không ít chuyên gia pháp luật cảnh báo về tác hại của tình trạng đào tạo manh mún này. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, một trong những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là chưa có sự thống nhất của các ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc tập trung đầu mối đào tạo nhằm tăng cường năng lực cho cơ sở đào tạo, bảo đảm thống nhất mặt bằng trình độ giữa các chức danh tư pháp như yêu cầu của Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Chính vì vậy, giữa các ngành (Bộ Tư pháp, Viện KSND tối cao, TAND tối cao) chưa có cơ chế phối hợp chính thức trong đào tạo thẩm phán và kiểm sát viên.

Ông Nguyễn Đức Mai, nguyên thẩm phán Tòa án Quân sự TƯ cho rằng, cần tập trung đào tạo các chức danh tư pháp trong một cơ sở đào tạo để họ có một nền kiến thức chung, thống nhất, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu. Nếu xé lẻ việc đào tạo sẽ dẫn đến tình trạng học viên biện luận, xử lý tình huống thiếu đồng nhất; nhà trường "bế quan tỏa cảng, cạnh tranh không lành mạnh, chồng lấn chức năng".

Để giải quyết vấn đề này, Học viện Tư pháp cũng phải củng cố nhân lực và cơ sở vật chất, làm thật tốt chức năng đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp mới có cơ sở thuyết phục các cơ quan tư pháp TƯ ủng hộ thực hiện tập trung đầu mối đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp theo đúng tinh thần Nghị quyết 08, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Theo kết quả tổng hợp khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, sở dĩ có tình trạng phân vai chưa rõ ràng kể trên là do cơ quan tố tụng của không ít địa phương đánh giá chương trình đào tạo kiểm sát viên của Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát (Viện KSND tối cao) sát thực tiễn, phù hợp đặc thù nghề nghiệp hơn là Học viện Tư pháp trước đây. Nội dung đào tạo thẩm phán, chấp hành viên tại Học viện Tư pháp còn có những hạn chế như mâu thuẫn giữa lý thuyết với quá trình triển khai. Trên thực tế, Học viện chỉ có 57 giảng viên, 250 người còn lại là những cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia pháp luật tham gia giảng dạy. Do đó, giữa quan điểm của giảng viên cơ hữu với giảng viên kiêm nhiệm đã có những điểm vênh, gây khó khăn cho học viên trong quá trình tiếp thu kiến thức.

Để làm tốt chiến lược cải cách tư pháp, yếu tố con người là hết sức quan trọng nên công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tư pháp là đòi hỏi cấp thiết đang đặt ra cần được giải quyết hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gặp khó trong đào tạo cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.