(HNMO) - Hơn 20 năm giành tình yêu tâm huyết cho nghề chạm khắc tượng, anh Đào Công Thu, nghệ nhân trẻ của thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội, được người dân trong thôn khâm phục và mệnh danh là “thiên tài” chạm khắc.
Nghề chạm khắc gỗ được hình thành ở thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội từ thế kỷ XVII và được triều đình phong kiến hai lần ban sắc phong ca ngợi tay nghề chạm khắc của các nghệ nhân nơi đây. Hơn 300 năm hình thành và phát triển giờ đây trên thị trường thương mại, những sản phẩm được sản xuất đại trà nên nghề chạm khắc gỗ đã và đang dần bị mai một.
Nghệ nhân Đào Công Thu đang chạm khắc tượng Đạt Ma bằng gỗ trắc |
Cái duyên bén nghề
Nghe nói đến nghề trạm khắc tượng đã lâu, nhưng giờ tôi mới có dịp về mảnh đất kinh bắc ghé thăm nhà nghệ nhân Đào Công Thu, người được dân trong thôn mệnh danh “thiên tài” chạm khắc. Sau một thời gian hỏi thăm đường chúng tôi đã tìm đến được gia đình nghệ nhân, ngôi nhà 2 tầng và xưởng rộng chừng gần 200m2 nằm trong một con ngõ nhỏ ở làng Thiết Úng, hay còn gọi là làng Ống, nơi đây chính là “cái nôi” của đồ gỗ mĩ nghệ. Bước chân vào nhà tôi dường như bị đắm chìm trước vẻ đẹp tinh xảo, đậm chất nghệ thuật của những bức tượng gỗ do bàn tay khéo léo của nghệ nhân thổi hồn. Lúc đó anh vẫn đang hăng say với công việc chạm khắc bức tượng đạt ma cao hơn hai mét bằng gỗ trắc mà không hay biết tôi đã đi thăm quan được một vòng, phải đánh động thì anh mới để ý tới. Thấy khách đến chơi, nghỉ tay một lúc chắt chén trà anh bắt đầu kể cho tôi nghe “cái duyên” bén nghề chạm khắc của mình.
Với niềm đam mê nghệ thuật từ nhỏ nhưng khi học song cấp 3 vì điệu kiện gia đình không cho phép để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê học trường nghệ thuật của mình. Năm 1991 anh đến nhà người thân trong làng để học nghề, ban đầu vừa học nghề vừa tìm hiểu về mỹ thuật rồi tận dụng những khúc gỗ nhỏ hay những gốc cây bỏ đi để chạm khắc, với may mắn có được đôi bàn tay trời phú và thừa hưởng kinh nghiệm từ cha ông chỉ sau hơn một năm anh đã có tác phẩm đầu tay là bức Lộc trong bộ Tam Đa trước sự trầm trồ thán phục của những người xung quanh. Sau hơn 10 năm chạm khắc, muốn có một bước vượt bậc trong nghành nghề, đem nghệ thuật thổi hồn vào trong những tác phẩm, bỏ lại sau lưng gia đình và quê hương để theo đuổi ước mơ của mình. Đến năm 2004 anh quyết định theo học lớp Mĩ thuật Trung ương phía nam.
Sau 3 năm bôn ba học hỏi kinh nghiệm năm 2007 anh trở về quê hương với số vốn ít ỏi để mở xưởng sản xuất gỗ mỹ nghệ và nhận dạy nghề cho những thanh niên trong làng có niềm đam mê với chạm khắc. Xưởng của anh ngày càng phát triển, khi đã có vốn anh bắt đầu theo đuổi đam mê trạm khắc nghệ thuật. Anh Thu chia sẻ: “Một khúc gỗ chạm khắc lên đến hàng trăm triệu hay cả tỉ đồng, thời gian chạm khắc có thể kéo dài vài tháng nên không phải nghệ nhân nào cũng có đủ kỹ năng và sự kiên trì để chạm khắc. Điều quan trọng hơn vả là người nghệ nhân phải có những cảm xúc bay bổng, sáng tạo và hòa mình vào tác phẩm thì tác phẩm mới có hồn”. Đến năm 2010 tác phẩm “Đạt ma quái hải” của anh được công nhận là tác phẩm chạm khắc tiêu biểu cấp thành phố. Năm 2013 cùng với sự thành công của tác phẩm “Tượng đại thi hào Nguyễn Du” anh được thành phố tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội.
Tượng gỗ vuông tròn, tác phẩm đạt giải 3 cuộc thi thiết kế đồ gỗ mĩ nghệ Hà Nội |
Truyền lửa cho thế hệ sau
Trước sự thương mại hóa nhanh chóng của thị trường, những người nghệ nhân cũng dần quên đi cái nghề, thay vào đó họ chuyển sang buôn và sản xuất sản phẩm một cách đại trà nên những sản phẩm đã dần mất đi cái hồn và sự tinh sảo vốn có.
Anh Thu tâm sự: “Tôi mở xưởng sản xuất với mong muốn truyền đạt lại cái nghề cho những thế hệ sau trong thôn, để họ biết được lịch sử mà cùng nhau gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương…”.
Được biết lương tháng trung bình hiện nay của mỗi người thợ chạm khắc mới vào nghề được khoảng 4-6 triệu, còn những người thợ có tay nghề cao có thể lên tới 15-20 triệu.
Anh Thu cho biết thêm, để chạm khắc ra một bức tượng cần phải trải qua rất nhiều công đoạn: “Tìm gỗ, xem thế gỗ để tạo kiểu và tận dụng một cách tối đa gỗ, phác thảo hình ảnh trên giấy, chạm khắc rồi tạo đường gân, mạch máu tinh xảo cho bức tượng và người dân làng Ống thường sản xuất chủ yếu tượng Tam Đa, Di Lặc, Quan Ông, Đạt Ma…”.
Những đường gân, mạch máu tinh xảo của bức tượng do các nghệ nhân chạm khắc chính là điểm khác biệt lớn nhất so với sản phẩm đại trà, đến thời điểm hiện tại Anh Đào Công Thu đang dạy cho gần 10 học viên đam mê với nghệ thuật chạm khắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.