Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gập ghềnh giao thông miền núi Ba Vì

Thu Hằng| 15/08/2011 07:17

(HNM) - Giao thông nông thôn (GTNT) yếu kém đã và đang ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội của nhiều địa phương, đặc biệt là các xã miền núi huyện Ba Vì.


Sau những trận mưa, nhân dân xã Ba Trại lại được huy động ra đắp đường. Ảnh: Đỗ Hà

Những trận mưa xối xả trong tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua làm "nát" như tương nhiều tuyến đường liên thôn, nội thôn, nội xóm của xã Ba Trại. Hầu hết các phương tiện giao thông phải cất ở nhà, ai muốn ra đường phải lội bộ. Hàng trăm hộ dân của xã Ba Trại "khóc dở, mếu dở" vì nông sản không lưu thông được. Thế nhưng, đời sống kinh tế còn quá khó khăn, bà con chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, dân cư thưa thớt nên buộc phải chấp nhận sống chung với đường bẩn, đường bụi vì họ không có khả năng về tài chính đóng góp xây dựng đường.

Ba Trại là xã rộng với 2.017ha đất tự nhiên, có 9 thôn, 1 cụm dân cư, trong đó có thôn 3 được công nhận làng nghề sản xuất và chế biến chè búp khô. Toàn xã có khoảng 100km đường giao thông nông thôn, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 14km tỉnh lộ; 3/5km huyện lộ; 2/5km đường vào làng nghề chè và 4km đường phân chậm lũ từ Đá Chông đi Thuần Mỹ qua xã được trải nhựa, bê tông hóa. Các tuyến đường liên thôn, nội thôn, nội xóm còn lại đều là đường đất, sỏi. Do chất đất nơi đây chủ yếu là đất thịt, đất cát pha nên trời mưa, nhất là mưa dầm đường "nát" không thể đi được vì trơn trượt. Nhiều tuyến đường là "trục xương sống" như tuyến liên thôn chạy qua các thôn 5, 8, 9 và các trường mầm non, tiểu học, THCS của xã đã xuống cấp nhiều năm, sụt lún, trơn trượt, ổ trâu, ổ voi... Đáng nói, trên địa bàn xã còn có hơn chục dốc cao, mỗi khi mưa to, nước xối mạnh tạo thành những rãnh lớn kéo dài từ đỉnh dốc xuống chân dốc gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Không chỉ có xã Ba Trại, hầu hết các xã miền núi Ba Vì cũng trong cảnh tương tự. Xã Minh Quang có 68km đường giao thông liên xã, liên thôn, đến nay mới chỉ có 6km được bê tông hóa, còn lại là đường đất. Ngoài ra, còn khoảng 30km đường giao thông nội thôn, nội xóm chưa được cứng hóa. Đường ở đây chủ yếu là đường đất đỏ nên mỗi khi trời mưa to, một số thôn như thôn Di, Đầm Sản... cách trung tâm xã 6-7km bị chia cắt đi lại rất vất vả. Vì vậy, học sinh nghỉ học, hàng hóa sản xuất ra không bán được... là chuyện thường xảy ra. Minh Quang là một trong những xã nghèo của huyện Ba Vì với trên 20% số hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới.

Thiếu vốn đầu tư

Những năm qua, Ba Vì là một trong những huyện được trung ương và TP Hà Nội quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhiều tuyến đường giao thông, tuy nhiên mới chỉ tập trung vào các tuyến tỉnh lộ và một số tuyến huyện lộ, đường phân chậm lũ, còn lại các tuyến đường nội xã, nội thôn, hầu như chưa được đầu tư xây dựng. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Thế Hà cho biết, toàn huyện hiện có 1.256,51km đường giao thông, trong đó 15,5km quốc lộ 32 đã được thảm bê tông nhựa; 111,8/115km tỉnh lộ đã nhựa hóa; 67/151km huyện lộ được rải nhựa và bê tông; 350/938,81km đường giao thông nội xã, nội thôn, nội xóm được bê tông hóa, còn lại 588,81km vẫn là đường đất, trong đó riêng 7 xã miền núi là 270,2km.

Đường GTNT ngày càng xuống cấp đang là rào cản sự phát triển, kinh tế xã hội của các xã miền núi. Tuy nhiên, các xã này lại không có khả năng để làm mới những tuyến đường. Bởi đặc thù của các xã miền núi Ba Vì là dân cư sống thưa thớt, nhiều tuyến đường nội thôn dài 100-200m nhưng chỉ có 1-2 hộ sinh sống; đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên rất khó khăn, số hộ nghèo còn nhiều. Thêm nữa, các xã miền núi có địa hình rộng, không bằng phẳng, đường GT dài gấp nhiều lần so với các xã vùng đồng bằng, bình quân mặt cắt đường lại rộng (đường liên thôn 5-6m, nội thôn 3-4m, nội xóm 2,5-3m) vì vậy để cứng hóa đường tốn rất nhiều tiền của.

Do vậy nguồn vốn để đầu tư cho xây dựng cơ bản nói chung và GTNT nói riêng là rất khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Thế Hà đề nghị, trung ương, TP Hà Nội nên có cơ chế hỗ trợ và đầu tư 100% vốn xây dựng các công trình đường GTNT và công trình hạ tầng kỹ thuật cho miền núi. Có như vậy bộ mặt nông thôn các xã miền núi mới có thể khởi sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gập ghềnh giao thông miền núi Ba Vì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.