Từ khi nào chuyện ghen tuông, bày tỏ tình cảm, xin lỗi người yêu... lại thường xuyên được mang ra chốn công cộng hay đưa lên mạng xã hội để bàn tán, mổ xẻ?
Vài ngày trước, mạng xã hội lan truyền clip quay cảnh một cô gái đánh ghen, trèo lên nóc capo chiếc Mercedes, liên tục đập đầu xe và khóc lóc ầm ĩ ở phố Lương Văn Can (Hà Nội). Sự việc khiến dãy phố cổ vốn đã chật chội, bị ách tắc gần một giờ đồng hồ.
Mới đây, nhiều diễn đàn dành cho giới trẻ cũng chia sẻ đoạn video ngắn, ghi lại hình ảnh một nam sinh quỳ gối giữa sân trường, tỏ tình với bạn gái. Màn thể hiện này đăng cùng nội dung: “Bạn có yêu tớ không? Không yêu là tớ quỳ xuống bây giờ đấy".
Cô gái nhảy lên nóc xe đánh ghen giữa phố. Ảnh cắt từ clip. |
Chỉ sau vài giờ đăng tải trên diễn đàn mạng, clip thu hút gần một triệu lượt xem, 25.000 like (thích) và hàng nghìn bình luận, chia sẻ.
Chỉ tuần trước, Facebook cũng nóng lên vì clip một cô gái quay cảnh người yêu quỳ xuống xin lỗi mình. Giữa đường phố, khi các phương tiện giao thông vẫn đang di chuyển đông đúc, thiếu nữ liên tục lớn tiếng mắng chửi bạn trai.
"Nhìn mặt lên đây, xin lỗi chưa?", "Nhớ chưa, xin lỗi to lên", "Lần sau có thế nữa không?", "Quỳ kiểu gì đấy?", "Đã cho đứng lên chưa mà đứng lên"... và vô số câu nói khó nghe khác được cô thốt lên bằng chất giọng chanh chua.
Tình yêu không còn là chuyện của cá nhân
Cô gái gào khóc giữa phố kia có biết rằng, rất nhiều người đi đường đã tò mò, đứng lại xem cảnh cô "làm loạn". Những chiếc máy ảnh, smartphone nhanh chóng được mang ra quay phim, chụp ảnh, check-in. Hình ảnh cô và bạn trai ngay trong tối hôm đó cũng tràn ngập khắp diễn đàn.
Với sức mạnh của cộng đồng mạng, danh tính của các nhân vật trong câu chuyện nhanh chóng được tìm ra. Thậm chí, tình sử, gia cảnh, học vấn, ảnh quá khứ của cô cũng bị "đào mộ", "ném đá" không thương tiếc.
Câu chuyện tình yêu vốn của cá nhân, giờ đây trở thành chủ đề cho nhiều người vào bình luận và phán xét.
Clip chàng trai quỳ gối tỏ tình sau vài giờ đăng tải đã thu hút gần một triệu lượt xem. Nhiều ý kiến cho rằng, tình yêu tuổi học trò còn nhiều nông nổi, suy nghĩ chưa chín chắn, nhưng ai cũng đồng ý, sự việc này khiến bạn gái của cậu chắc chắn phải "cao chạy xa bay".
Còn tình yêu của cô gái bắt người yêu quỳ xin lỗi, đăng tải lên Facebook không biết sẽ kéo dài được bao lâu khi những lời chỉ trích, chê trách chàng trai thiếu tự trọng, yếu đuối, không có bản lĩnh đàn ông... liên tục được đưa ra.
Khi thể hiện ở chốn đông người
Facebook Phan Nguyên bình luận, thể hiện tình yêu nơi công cộng là bình thường, nhưng giờ đây, cãi nhau, mạt sát, ghen tuông... cũng phải đưa lên mạng xã hội hoặc lôi nhau ra phố.
"Tôi không hiểu tình yêu to lớn tới mức nào khiến một cô gái phải xoã tung mái tóc, vứt bỏ guốc dép, quần áo xộc xệch, nhảy lên capo xe gào khóc?
Tôi cũng không hiểu được lý do do gì mà phải bắt người yêu xin lỗi ngoài đường, quay clip lại, đưa lên mạng? Sau khi câu được vài chục views, vài chục likes thì tình yêu ấy sẽ đi về đâu?", người này viết.
Đỗ Mai Trang (23 tuổi, Bát Đàn) cho biết, cô đã chứng kiến sự việc đánh ghen ở phố Lương Văn Can hôm đó.
"Dù không trong cuộc, mình thấy rõ người đàn ông trong xe bước xuống yêu cầu cô gái bình tĩnh và đến nơi khác nói chuyện.
Có thể nhiều người nói rằng phải ở trong tình huống đó mới hiểu. Nhưng liệu đánh ghen có cứu vãn được tình yêu, hôn nhân hay chỉ làm mất đi hình ảnh của mình và đẩy sự việc đi xa hơn?
Biết rằng lúc nóng giận, việc kìm chế là không dễ dàng, nhưng chắc hẳn sẽ có cách giải quyết tốt hơn khi cùng bình tĩnh và ngồi lại nói chuyện với nhau", Mai Trang nhận xét.
Văn hóa cư xử nơi công cộng
Phạm Mai Trang - thạc sĩ tâm lý cộng đồng ĐH La Trobe, Australia - cho biết, theo kết quả khảo sát thuộc khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015, có đến 94.8% số người được hỏi cho rằng người dân khi tham gia các hoạt động ở nơi công cộng có các hành vi ứng xử không phù hợp, trong đó có gây tiếng ồn nơi công cộng (51.3%); phô diễn tình cảm thái quá ở nơi công cộng (48.7%).
"Việc mang vấn đề cá nhân ra nơi công cộng giải quyết đã trở thành thói quen từ xa xưa. Khi mà chuyện mất con gà, ấm nước cũng mang ra giữa xóm để giải quyết.
Bên cạnh đó, nhiều cô gái, chàng trai còn có tư tưởng dựa vào đám đông để chiếm ưu thế cho mình. Ví dụ như, tỏ tình giữa đám đông dễ gây sự chú ý, dễ nhận được sự đồng ý hơn. Đánh ghen giữa phố sẽ khiến đối phương sợ hãi, không dám tiếp tục nữa. Nhưng những suy nghĩ trên đều sai lầm.
Hầu hết trường hợp này đều gây mất mặt cả hai bên. Thậm chí, chủ thể là người gây chuyện thường chịu thiệt nhiều hơn", thạc sĩ Trang nói.
Vị thạc sĩ chỉ ra, văn hóa ứng cử nơi công cộng của giới trẻ liên quan đến nhận thức, thói quen, lối sống và cả các yếu tố mang tính khách quan như thiếu chế tài, quy định xử phạt, vấn đề thực thi xử phạt, thiếu quy tắc ứng xử nơi công cộng, hay công tác giáo dục định hướng hành vi ứng xử chưa được quan tâm đúng mức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.