(HNM) - Trong bình minh năm 2011, Liên minh châu Âu (EU) đã đón nhận một chuyển giao đặc biệt. Lần đầu tiên Hungary giữ chức Chủ tịch luân phiên EU. Tiếp nhận trọng trách vào thời điểm con tàu 27 thành viên vừa trải qua một năm giông bão nhất lịch sử, gánh nặng nợ nần vẫn đang đe dọa cựu lục địa hứa hẹn một nhiệm kỳ 6 tháng không dễ dàng với quốc gia Đông Âu này.
Không thua kém những "người tiền nhiệm", nội các Hungary đã đưa ra chương trình nghị sự dày đặc, thể hiện trách nhiệm trên cương vị mới. Công cuộc mở rộng EU tiếp tục được ưu tiên, với "dự án" kết nạp Croatia sẽ được đẩy nhanh cho dù liên minh chưa qua cơn khốn khó. Ngoài ra, sự kiện ghi danh Romania và Bulgaria vào Hiệp ước Schengen về tự do đi lại giữa các nước thành viên EU cũng sẽ hoàn tất trong 6 tháng đầu năm 2011. Bên cạnh đó, chương trình "Đối tác phương Đông" của EU, nhằm tạo sự đồng đều giữa các nền kinh tế và chính trị với các nước thuộc không gian hậu Xô Viết gồm Armenia, Azerbaijan, Gruzia, Ukraine, Moldova và Belarus cũng được xác định là một ưu tiên của Budapest. Thế nhưng, khi cuộc cứu nguy Hy Lạp và Ireland khỏi vực thẳm phá sản chưa thể chữa trị do chi tiêu thái quá, nhiệm vụ điều phối hoạt động sao cho các thành viên EU đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Hungary đề ra được dự báo không dễ khả thi.
Khủng hoảng tài chính thách thức sự ổn định của EU ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2011. |
Tiễn biệt năm 2010 trong điêu đứng vì thâm thủng ngân sách, kinh tế châu Âu chưa đi qua bóng tối. Song hành với niềm hân hoan chào đón tân niên 2011 là những cảnh báo rằng, cơn lốc nợ châu Âu không những chưa lắng dịu mà còn có thể tăng sức tàn phá trong năm nay. Việc các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải trả nợ nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi đồng euro ra đời 12 năm trước đang là mối nguy có thật. Thống kê từ Ngân hàng Italia UniCredit khẳng định, khoản đáo nợ kỷ lục 560 tỷ euro (736 tỷ USD) năm 2011, nhiều hơn tới 45 tỷ euro (59 tỷ USD) so với khoản nợ phải thanh toán của năm 2010 có thể sẽ khiến lối thoát hiểm của Lục địa già bị thu hẹp một cách đáng sợ. Với chi phí vay mượn cao tới mức không thể chấp nhận cùng triển vọng tăng trưởng yếu kém, Bồ Đào Nha được cho sẽ chịu chung số phận với Hy Lạp khi phải trả khoản nợ 20 tỷ euro (26 tỷ USD) vào giữa năm 2011 này. Còn nền kinh tế lớn thứ 4 Eurozone, Tây Ban Nha cũng đang không mấy vui vì những lỗi lầm theo kiểu Ireland như, khả năng thua lỗ lớn của hệ thống ngân hàng sau sự sụp đổ của bong bóng bất động sản. Tất cả đang tạo "vực nước xoáy" nguy hiểm, có khả năng nhấn chìm chiếc phao cứu sinh Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) luôn được xem như lá bùa hộ mệnh của các thành viên. Mặc dù có thể không gặp vấn đề với các khoản chu cấp tài chính cho cả 4 con bệnh Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha với số vốn 750 tỷ euro (khoảng hơn 1.000 tỷ USD), song số tiền mà cả châu Âu phải nhiều lần bàn đi tính lại mới "quyên góp" được sẽ trở nên quá nhỏ bé, nếu tính cả các khoản nợ ngắn hạn khổng lồ của các nhà băng, mà trong cuộc khủng hoảng vừa qua đã nghiễm nhiên trở thành những món nợ chính phủ. Chỉ riêng Tây Ban Nha, hệ thống ngân hàng nước này đã nợ vài trăm tỷ euro.
Gần một năm sau khi hồi chuông báo động được gióng lên từ xứ sở thần thoại, những yếu điểm chết người mang tính hệ thống trong quản lý nền kinh tế nhất thể hóa của EU đã lộ rõ. Đó là dường như liên minh này đang thiếu một cơ quan quản lý tài chính và điều phối kinh tế ở cấp độ toàn liên minh, cũng như thiếu các công cụ kiểm soát thâm hụt ngân sách đã được khỏa lấp bằng việc sửa đổi Hiệp ước Lisbon lịch sử hồi tháng 10. Tuy nhiên, với trách nhiệm chèo chống một liên minh lớn nhất thế giới chắc chắn Budapest sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, dẫu gánh lo đã đè nặng bất thường lên quốc gia Đông Âu này ngay trong những thời khắc đầu tiên của năm mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.