Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gắn thực tiễn, phát triển đô thị Hà Nội bền vững

Bảo Hân| 27/11/2022 07:17

(HNM) - Với những bước phát triển vững chắc, đóng góp tích cực cho phát triển của Thủ đô, góp phần nâng cao vị thế và uy tín, Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hà Nội đã trải qua nhiệm kỳ IV (2017-2022) với nhiều dấu ấn thành công. Từ đó, thể hiện rõ sự đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô.

Lễ ký chương trình hợp tác giữa UBND thành phố Hà Nội và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hà Nội.

Những đóng góp thiết thực

Được thành lập ngày 28-1-2000 theo Quyết định số 6515/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội hiện gồm 15 chi hội trực thuộc với 407 hội viên, là hội cơ sở của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Liên hiệp Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố Hà Nội.

Nhìn lại chặng đường gắn với nhiệm kỳ IV (2017-2022) vừa qua, Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hà Nội tiếp tục có bước phát triển lớn mạnh, thực hiện có kết quả những nội dung chủ yếu do Đại hội lần thứ IV đề ra, gắn kết với thực tiễn Hà Nội, tạo sự tín nhiệm, đánh giá cao của các cơ quan quản lý, hội cấp trên và xã hội, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đô thị Hà Nội bền vững.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn nhận định, hoạt động của hội khá đa dạng, trong đó, công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, vốn là hoạt động thế mạnh và mũi nhọn được tập trung, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tiếng nói có chiều sâu với chất lượng cao cho hàng trăm đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Hà Nội, từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý đến các dự án phát triển, xây dựng cải tạo tái thiết đô thị, bảo tồn tôn tạo di sản đô thị…

Qua 2 kỳ xét tặng Giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức, nhiều đồ án quy hoạch, công trình và cá nhân của Hà Nội, trong đó nhiều tác giả là hội viên của hội đã được tặng giải thưởng cao. Bên cạnh đó, gần 100 lượt cá nhân, tập thể thuộc hội đã được tặng bằng khen của các cấp.

Trong nhiệm kỳ, các buổi tiếp và trao đổi công việc của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội (nay là Chủ tịch Quốc hội) với hội; lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hội với UBND thành phố Hà Nội là những sự kiện đặc biệt và nổi bật. Đặc biệt, Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập hội đã tạo được tiếng vang và ấn tượng tốt trong hội viên và dư luận. Biểu tượng logo chính thức đầu tiên của hội cũng đã được phê duyệt và ban hành trong dịp kỷ niệm này.

Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

Cũng theo ông Tô Anh Tuấn, bên cạnh những kết quả đạt được, hội đã thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế để tiếp tục tháo gỡ như hoạt động ở cơ sở của nhiều chi hội còn yếu, chưa động viên được đông đảo hội viên tham gia, đặc biệt các hội viên là doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn…

Để củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy trong giai đoạn tới, hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các ban chuyên môn và hội đồng khoa học, huy động đông đảo hội viên tham gia, có chương trình làm việc cụ thể, phân công trách nhiệm trong công tác nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn cho các chi hội và hội viên; xây dựng cơ chế thích hợp để các chi hội cơ sở hoạt động đồng đều và có hiệu quả.

Nhiệm kỳ V (2022-2027) của hội diễn ra trong bối cảnh Hà Nội đang cần bước chuyển mạnh về công tác quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trước những yêu cầu mới phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Do đó, để đáp ứng yêu cầu, các hoạt động của hội được đẩy mạnh theo hướng đồng bộ cả về công tác quy hoạch và phát triển đô thị, tư vấn phản biện xã hội và tập huấn, tuyên truyền, phổ biến thông tin về chủ trương, chính sách, cơ chế trong quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tham gia giải quyết các nhiệm vụ, vấn đề của thực tiễn.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học và đào tạo, hội cũng huy động hội viên và các đơn vị chuyên ngành đề xuất nghiên cứu độc lập hoặc tham gia phối hợp với các cơ quan liên quan trong nghiên cứu về lý luận và thực tiễn công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị; tập trung vào các vấn đề đang là trọng tâm hay còn tồn tại của Thủ đô như điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết và quản lý theo quy hoạch, tổ chức phát triển đô thị; quản lý đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, ùn tắc giao thông, tăng dân số cơ học nhằm hướng tới sự phát triển đồng bộ và bền vững.

Với những hướng phát triển nêu trên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của hội theo tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tiếp tục hòa nhịp và đồng hành cùng Thủ đô trong chặng đường phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương đối với Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn thực tiễn, phát triển đô thị Hà Nội bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.