(HNM) - Nghị định 182/2013/NĐ-CP của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Theo quy định, khối DN phải điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động, cao nhất là vùng I với mức 2,7 triệu đồng/người/tháng...
Đây cũng là thời điểm xuân Giáp Ngọ 2014 đang cận kề, các cấp, các ngành của thành phố đang tập trung chăm lo cho người lao động để mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện nay cũng còn bộn bề khó khăn. Vậy việc thực hiện Nghị định 182/2013/NĐ-CP của Chính phủ như thế nào? Sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động có gặp phải khó khăn?
Nhiều công nhân, lao động đang mong chờ các khoản thưởng Tết. Ảnh: Đàm Duy |
Thiết thực chăm lo người lao động
Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Các DN địa bàn Hà Nội đều đã chủ động tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ. Hà Nội có khoảng 240.000 doanh nghiệp nhưng hầu hết đều trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng, nên lần điều chỉnh này, toàn thành phố chỉ có khoảng 20.000 DN đang áp dụng mức lương theo ngạch của Nhà nước sẽ phải điều chỉnh từ mức 2.350.000 đồng/tháng lên 2.700.000 đồng/tháng. Việc điều chỉnh lương lần này đã được tuyên truyền và phổ biến từ tháng 11-2013 nên DN có sự chuẩn bị từ trước, không có tình trạng bị động. Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách tiền lương của DN, nếu phát hiện trường hợp cố tình chậm lương, nợ lương, sẽ xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Thanh, đến nay chưa phát hiện vi phạm nào gây bức xúc.
Bên cạnh việc thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định đối với NLĐ, những ngày này, các cấp Công đoàn đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cấp cơ sở quan tâm lo Tết cho NLĐ. Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, thành phố không chỉ chỉ đạo, mà còn giám sát chặt việc quan tâm chăm lo Tết cho NLĐ, nhất là vấn đề tiền lương, tiền thưởng. LĐLĐ cũng chỉ đạo rà soát các đối tượng CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn để công đoàn kịp thời trợ cấp trong dịp Tết. Hiện CĐ đã chuẩn bị hơn 2,6 tỷ đồng quà Tết, trong đó hơn 1,6 tỷ đồng dành để hỗ trợ NLĐ nghèo xây sửa nhà và bố trí hàng trăm chuyến xe đưa công nhân có nhu cầu về quê đón Tết cùng gia đình, đồng thời lên kế hoạch tổ chức hoạt động vui xuân cho CNVCLĐ ở lại các đơn vị, DN…
Từ chủ trương của thành phố, các cấp sở, ngành và cơ sở đã có nhiều hoạt động tích cực thiết thực nhằm chăm lo cho NLĐ có một cái Tết tương đối tươm tất trong khả năng cho phép. Điển hình như, Công đoàn GTVT đã xác định hỗ trợ xe đưa công nhân về quê ăn Tết với số lượng không giới hạn. Bà Đào Lan Anh, Chủ tịch Công đoàn ngành cho biết, đây là sự nỗ lực vượt bậc của công đoàn đối với việc hỗ trợ NLĐ trong dịp Tết, nhằm góp phần giúp NLĐ (dù không trong hệ thống công đoàn quản lý) bớt đi gánh nặng, nỗi lo về kinh phí và việc đi lại trong dịp Tết.
Cơ sở nỗ lực "tự thân vận động"
Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội hiện đang quản lý gần 110.000 đoàn viên. Với mức thu nhập bình quân khoảng 3,2 triệu đồng/người/tháng, rõ ràng NLĐ không thể có "khoản dư" để sắm Tết. Do vậy, mỗi công nhân lao động hiện nay đều mong chờ vào các khoản thưởng Tết để lo cho gia đình. Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, ngay đầu tháng 12, BCH Công đoàn đã chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động thực hiện tốt việc bảo đảm chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ chính sách đối với NLĐ, để họ có cái Tết đầy đủ. "Dù các DN chưa có báo cáo cụ thể về mức thưởng Tết, nhưng chúng tôi biết các đơn vị đều đã lên kế hoạch và cố gắng tối đa trong việc chăm lo cho NLĐ" - ông Toản khẳng định, đồng thời cho biết thêm: Công đoàn đang tập hợp danh sách NLĐ ở xa có nhu cầu về quê ăn Tết để báo cáo thành phố và vận động DN có biện pháp hỗ trợ. Theo đó, 100% công nhân có nhu cầu về quê ăn Tết sẽ được trợ cấp vé ô tô miễn phí.
Theo Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Quang Lâm, tổng công ty đã phối hợp cùng chính quyền chăm lo Tết cho NLĐ và qua đó 100% các đơn vị đều có thưởng cuối năm và thưởng Tết. Tổng công ty cũng đã chuẩn bị nguồn hàng Tết đa dạng, phong phú, trong đó tổ chức 20 gian hàng tại Hội chợ hàng Việt tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh để đưa hàng bảo đảm chất lượng với ưu đãi bình ổn giá đến với người tiêu dùng là công nhân lao động. Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch CĐ Công ty Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất), cho biết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Ban Giám đốc đã quyết định, ngoài việc trả lương đầy đủ, thưởng 1 tháng lương thứ 13 cho toàn bộ NLĐ, công ty sẽ tặng mỗi công nhân một túi quà Tết. Vật chất tuy nhỏ, nhưng đây là cách thể hiện sự chân thành, tôn trọng của người sử dụng lao động với NLĐ.
Cũng với tinh thần ấy, dù khó khăn không ít nhưng Công ty CP Dược và vật tư thú y (LĐLĐ quận Đống Đa) cũng vẫn quyết định thưởng Tết từ 1 đến 2 tháng lương cho CBCNV. Theo ông Nhâm Văn Thiêm - Chủ tịch CĐ công ty - NLĐ làm việc vất vả cả năm rất mong chờ tiền thưởng Tết, chính vì vậy DN cố gắng duy trì lương và phúc lợi cho hơn 400 CBCNV. Đồng thời sẽ tặng mỗi NLĐ một túi quà Tết gồm bánh mứt kẹo, đường, dầu ăn, bột nêm, 5kg gạo ngon, 5kg giò, 1 đôi gà… Ông Thiêm cũng cho biết thêm, để động viên NLĐ nâng cao hiệu suất công việc, công ty có giải thưởng "Hết lòng vì công việc chung" dành cho những NLĐ xuất sắc. Cụ thể, mỗi tháng các tổ công đoàn tiến hành bình bầu NLĐ xứng đáng để lập danh sách khen thưởng tại công ty…
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.