Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gắn nhãn nhận diện nguồn gốc

Đào Huyền| 04/11/2011 07:17

Trong khi một số vùng rau an toàn (RAT) gặp khó khăn trong tiêu thụ thì vùng RAT xã Văn Đức, Gia Lâm, mỗi ngày có đến 50 tấn RAT được xuất bán vào nội thành và các tỉnh lân cận. RAT Văn Đức đã ổn định đầu ra do sự liên kết


Rau an toàn Văn Đức được dán nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc.

Giàu lên từ sản xuất rau an toàn

Văn Đức, Gia Lâm là xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu từ nông nghiệp. Trong tổng số 286,5ha đất nông nghiệp, Văn Đức đã xây dựng vùng chuyên canh 250ha RAT, trong đó có 25ha đạt chuẩn VietGAP. Toàn bộ vùng rau Văn Đức nằm trong vùng quy hoạch mạng lưới sản xuất RAT của Hà Nội đến năm 2020. Sản lượng rau hằng năm do Văn Đức sản xuất ra khoảng 17.500 - 18.000 tấn/năm (khoảng 45-50 tấn/ngày). Rau được sản xuất theo quy trình RAT, mỗi hộ được cấp sổ nhật ký đồng ruộng cập nhật đầy đủ thông tin sản xuất, ngày gieo hạt, quá trình sinh trưởng, thời gian bón phân, lượng và loại phân bón, sâu bệnh, thời gian phun thuốc, và nhãn hiệu thuốc sử dụng… Chính việc tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất RAT nên Văn Đức đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Anh Đinh Văn Chuyền (đội 17, thôn San Hô, xã Văn Đức) cho biết, gia đình trồng hơn 9 sào RAT chủ yếu là súp lơ, cải bắp, đậu đỗ… Trung bình mỗi lứa thu 4-5 tấn rau, bán tại ruộng được 5-7 triệu đồng/sào, một năm gia đình anh trồng 3 lứa. Đối với người dân chỉ làm nông nghiệp, không có nghề phụ thì mô hình trồng RAT đã giúp họ không phải bỏ ruộng, bỏ quê đi làm ăn nơi khác. Chủ tịch UBND xã Văn Đức Nguyễn Văn Hùng phấn khởi chia sẻ, thu nhập từ RAT cao gấp 3 đến 4 lần trồng lúa. Nhiều gia đình tham gia mô hình RAT đã nhanh chóng thoát nghèo. Đây cũng là hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả, là bước đột phá để địa phương tập trung xây dựng nông thôn mới. Hiện thu nhập vùng RAT Văn Đức đạt cao từ 180-200 triệu đồng/ha và đang phấn đấu nâng lên 250-300 triệu đồng/ha.

Liên kết "3 nhà" hiệu quả

Sản xuất RAT Văn Đức có sự liên kết hiệu quả "3 nhà", Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) chỉ đạo trực tiếp, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, Công ty TNHH Hương Cảnh là DN đầu tư xây dựng nhà sơ chế và ký hợp đồng bao tiêu thường xuyên, sản lượng rau đạt chuẩn VietGAP khoảng 0,8-1,3 tấn/ ngày để sơ chế cung cấp cho hệ thống cửa hàng, siêu thị và một số cơ quan, đơn vị, trường học theo hợp đồng. Ông Phạm Văn Dương, Phó Giám đốc điều hành Công ty Hương Cảnh cho biết, công ty đã đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế trên 2.200m2, công suất 150-200 tấn/ngày đêm. Dự kiến mô hình sẽ chuyên canh trồng khoảng 35-40 chủng loại rau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Công ty ký hợp đồng thu mua các sản phẩm rau, củ, quả của người dân thông qua Hợp tác xã RAT Văn Đức.

Ngoài số lượng RAT đạt chuẩn VietGAP được Công ty Hương Cảnh thu mua, Văn Đức còn một lượng lớn RAT do nông dân, HTX bán buôn cho các đầu mối tư thương tại ruộng. Anh Trần Văn Hà, người chuyên thu gom rau cho biết, vào những thời điểm đầu vụ, giáp vụ, RAT Văn Đức chủ yếu cung cấp cho thị trường nội thành Hà Nội. Thời điểm chính vụ khi sản lượng lớn, rau được các thương lái đưa đi tiêu thụ tại nội thành và các tỉnh phía Bắc và đưa vào cả phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết sản lượng rau này chỉ đóng bao dứa, không có nhãn mác, tem niêm phong; không nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Người trồng rau Văn Đức mong muốn toàn bộ diện tích RAT ở đây được Chi cục BVTV và DN Hương Cảnh hỗ trợ sớm đạt chuẩn VietGAP, tạo dựng thương hiệu, người trồng rau bán được giá cao hơn.

RAT Văn Đức là điểm đầu tiên được cấp nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Đây là khởi đầu tốt để các vùng RAT khác của Hà Nội phát huy, tạo dựng thương hiệu, đáp ứng thị trường Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn nhãn nhận diện nguồn gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.