Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu

Đỗ Quỳnh Chi| 02/11/2016 06:01

(HNM) - Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; tổng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, ngân sách cho đầu tư công (ĐTC) 5 năm chỉ đáp ứng được 37%, phần còn lại huy động từ xã hội. Điều đó đòi hỏi Chính phủ phải tạo được niềm tin từ xã hội để thu hút nguồn lực rất quan trọng này vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Điểm đáng lưu ý trong kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020, lần đầu tiên Chính phủ (trực tiếp là Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã có giải pháp khắc phục tình trạng kế hoạch ĐTC bị “cắt khúc” từng năm, chuyển sang xây dựng được kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm và chuyển từ cân đối vốn hằng năm sang cân đối trung hạn 5 năm cả ở tầm quốc gia và các cấp chính quyền địa phương. Chính phủ cũng xác định kế hoạch đầu tư 5 năm tới là tập trung ưu tiên cho các dự án trọng điểm, tiếp tục đầu tư cho dự án chưa hoàn thành và kiên quyết không bố trí vốn cho dự án chưa cấp thiết.

Nhìn vào thực trạng nền kinh tế nước ta, có thể thấy rất nhiều áp lực đang đè nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch ĐTC, đặc biệt là những dự án liên quan đến phát triển hạ tầng. Đó là vấn đề nợ công đã đến ngưỡng; nguồn thu từ xuất khẩu có dấu hiệu tăng chậm lại, đặc biệt là nguồn thu từ dầu thô đạt mức thấp do diễn biến giá dầu thế giới giảm mạnh. Ngoài ra, do dư địa tăng trưởng kinh tế từ tài nguyên, nguồn nhân lực giá rẻ cơ bản bão hòa nên việc siết lại kỷ cương ĐTC là cấp thiết.

Thời gian qua, vì nhiều lý do, tình trạng “người người làm dự án”, “xin - cho” dự án ĐTC là có thực. Không ít dự án chỉ sau một thời gian ngắn đã thấy rõ sự lãng phí, không hiệu quả, thậm chí để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Chúng ta đã thấy rõ thực trạng này qua việc một thời gian dài, nhiều địa phương xin được mở cảng nước sâu, nhà máy đường, nhà máy bia…, và hiện giờ là câu chuyện mở sân bay, xây dựng trụ sở hoành tráng…, dù nhu cầu thực tế chưa ở mức cấp thiết. Bên cạnh những hạn chế như đã nêu thì việc lập, phê duyệt tổng mức đầu tư các dự án hiện nay còn bị buông lỏng, nhiều trường hợp xây dựng dự án với tổng mức đầu tư quá lớn, dư thừa công suất, gây lãng phí, thất thoát nguồn lực.

Ngoài vấn đề siết chặt ĐTC hơn nữa trên cơ sở thực hiện nghiêm Luật ĐTC, rõ ràng đã đến lúc phải gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu, người quyết định đầu tư. Nếu trách nhiệm giải trình chỉ dừng lại ở việc giải thích đúng quy trình là xong sẽ kéo theo hiện tượng trốn tránh trách nhiệm. Việc công khai thông tin về ĐTC mà không đi kèm với trách nhiệm giải trình sẽ không mang lại hiệu quả. Cùng với đó, cần làm tốt khâu thẩm định và quyết định đầu tư cũng như xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân để xảy ra thất thoát, tham nhũng trong các dự án ĐTC.

Vai trò ĐTC của Nhà nước vô cùng quan trọng để xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng. Vấn đề đặt ra là hiệu quả ĐTC cần phải được cải thiện để nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát. Bên cạnh đó, cần loại bỏ bệnh thành tích trong lĩnh vực ĐTC và chuyển giao dần các lĩnh vực đầu tư mà tư nhân có thể tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.