(HNM) - Năm 2017 vừa qua là năm đầu tiên hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Kết quả tuyển sinh, đào tạo nghề tuy khả quan hơn so với những năm trước, song các trường nghề vẫn gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Vẫn khó tuyển sinh
Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2017, gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước đã tuyển sinh hơn 2,2 triệu người, đạt 100,2% kế hoạch. Số người tốt nghiệp các trường nghề đạt xấp xỉ 2 triệu, trong đó có hơn 400.000 người tốt nghiệp hệ cao đẳng, trung cấp. Đáng mừng hơn, cả nước có khoảng 80% số người tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng có việc làm ngay với mức lương khởi điểm từ 4,6 đến 5,2 triệu đồng/người/tháng. 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trường nghề uy tín đều có việc làm. Một số ngành, nghề xã hội đang cần có mức lương khởi điểm 6-8 triệu đồng/người/tháng, thậm chí là 10 triệu đồng/người/tháng.
Vững nghề sẽ giúp sinh viên tự tin chọn nơi làm việc phù hợp sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Nhật Nam |
Thực tế cho thấy, dù học sinh, sinh viên học nghề dễ dàng có việc làm, thu nhập, nhưng số người lựa chọn học nghề để lập nghiệp chưa nhiều. Do đó, các trường nghề gặp nhiều khó khăn trong quá trình tuyển sinh, đào tạo. Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, một số nghề như khảo sát địa hình, bảo vệ môi trường biển, xây dựng cầu đường bộ... tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại rất khó tuyển sinh, thậm chí có nghề không tuyển sinh được.
Theo ông Vũ Xuân Hùng, các trường nghề gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Hiện nay, nhiều địa phương chú trọng đầu tư cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào trung học phổ thông, tốt nghiệp trung học phổ thông vào đại học; đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn rất hạn chế. Công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông cũng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp còn thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa. Nội dung, chương trình đào tạo còn cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp, chưa có nhiều trường chất lượng cao đạt chuẩn khu vực, quốc tế. Trong khi đó, một bộ phận người dân còn có tâm lý coi trọng bằng cấp…
Đồng tình với nhận định của đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ông Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, công tác tuyển sinh tại các trường nghề khối văn hóa - nghệ thuật vô cùng gian nan. Nhiều trường về các địa phương, các khu vực vùng sâu, vùng xa để chiêu sinh nhưng cũng chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu.
Chú trọng bảo đảm “đầu ra”
Phát triển giáo dục nghề nghiệp được coi là giải pháp then chốt để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Bởi thế, song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, các trường nghề tiếp tục mở rộng tuyển sinh. Năm 2018, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu tuyển sinh đạt 2,2 triệu người, trong đó có 540.000 người học cao đẳng, trung cấp. Số người tốt nghiệp các trường nghề dự kiến đạt 2,1 triệu người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 23 đến 25% tổng số lao động trong độ tuổi.
Để đạt mục tiêu này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với các tỉnh, thành phố, cơ sở giáo dục tổ chức tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Trong đó, cuốn sách “Thông tin tuyển sinh trung cấp, cao đẳng”, ứng dụng tuyển sinh trên điện thoại di động cũng được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu xây dựng. Dự kiến, thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2018 được công bố rộng rãi trong tháng 4 này. Ngoài ra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ký hợp tác đào tạo với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tập đoàn Mường Thanh… nhằm bảo đảm cho người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Đánh giá cao hướng đi của hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích các trường cao đẳng, trung cấp mạnh dạn cam kết học sinh, sinh viên học nghề ra trường sẽ có việc làm. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường thống kê, thiết lập hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, giúp các đơn vị đào tạo đúng hướng, tránh lãng phí; tiếp tục đẩy mạnh cơ chế hợp tác giữa 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp.
Theo tính toán của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong năm 2018 tăng khoảng 130.000 người. Đó chính là cơ hội “vàng” cho người lao động và các trường nghề nâng cao chất lượng dạy và học nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.